Tôi là một kẻ phong cùi, có 1/2 đôi chân và một nửa đôi tay…
***
- Tránh ra chỗ khác coi , đường lối người ta đi chứ là chỗ ngồi của mày à?
Một cậu thanh niên quát vào mặt tôi khi đậu xe bên ngã tư, tôi đang ngồi trên vỉa hè, nhưng vì hôm nay đường đông quá nên dòng xe lấn lên cả vỉa hè. Tôi lầm lũi cố gắng di chuyển xích vào trong như cậu ta nói. Nhưng tôi thấy vui vui, vì rất lâu rồi, hôm nay mới có một người nhìn tôi và nói chuyện như thế.
Tôi sống ở cái ngã tư này cũng hơn một năm, gần đây có cây cầu vượt rất lớn, nên mỗi lần trời mưa, tôi không phải lo bị ướt vì đã có gầm cầu là mái nhà kiên cố của tôi. Từ khi tìm được chiếc cầu vượt to lớn này, tôi đã mừng xiết bao khi nghĩ đến giấc ngủ của mình sẽ không bị những cơn mưa hành hạ. Nào ngờ khi đêm xuống, lại có rất nhiều người đến gầm cầu này ngủ, đa số là những thanh niên to cao, bỏ nhà đi bụi. Thấy tôi ngồi đó chiếm chỗ, bọn họ chẳng ngại đá tôi ra ngoài, có ngày, họ còn thi nhau đá tôi khi gặp những chuyện bực tức … Nhưng cũng may là họ không đến vào mỗi đêm nên có những hôm tôi may mắn tránh được những giọt sương lạnh đến buốt da. Đó là những đêm mà tôi cảm thấy hạnh phúc…
Hằng ngày, tôi thường lết ra ngã tư ngồi trong ánh mặt trời nóng rát để cầu xin lòng tốt của mọi người, và hình như làm như thế, thì mọi người lại càng ghét tôi hơn. Nhưng ngoài cách đó ra, tôi không còn biết phải làm gì để tự nuôi sống lấy bản thân…Tôi biết tôi đang làm chuyện vô ích, vì chẳng ai giúp đỡ những người họ ghét bao giờ cả, họ còn chẳng thèm nhìn tôi lấy một giây huống chi có ý định giúp đỡ tôi. Nhưng tôi chẳng còn cách nào khác ngoài việc cầu xin và hy vọng vào lòng tốt của mọi người. Có lẽ các bạn sẽ nghĩ tôi là một trong những gánh nặng của xã hội, tôi cũng đâu muốn như thế! Tôi cũng muốn được lành lặn như bao người khác, tôi đâu muốn phải ngồi đây cầu xin và hy vọng vào từng người ngoài kia. Tôi cũng muốn mình có khả năng tự nuôi sống bản thân mình mà…
Đã không ít lần, tôi lết tìm đến những đại lý vé số, mong họ rủ lòng thương, cho tôi có cơ hội làm việc để kiếm tiền như những người mù đi bán vé số khác. Nhưng họ chỉ cần thấy tôi thì đã vội quay lưng bước đi. Lúc ấy, tôi thực sự không hiểu vì sao họ làm vậy với tôi, nên ngày nào tôi cũng đến đấy để gặp họ. Và cuối cùng, tôi cũng hiểu được lí do vì sao họ lại như thế.
“Mày không hiểu hay cố tình không hiểu? Đưa cho mày bán vé số thì ma nào nó dám mua?”
Đó là những lời nói mà ông chủ đại lý vé số hét vào khuôn mặt nhơ nhớp của tôi, khi ông không còn chịu được sự dai dẳng từ tôi nữa… Xét cho cùng, thì ông ấy nói cũng đúng, tôi bị PHONG CÙI, chứ không phải những bệnh tật khác. Người ta có thể chạm vào người mù, nói chuyện với người câm, và cười với người điếc… nhưng sẽ bao giờ làm những điều đó với người PHONG CÙI. Đối với họ, phong cùi không phải là người…
Tôi đói! Đã hơn một tuần qua trong bụng tôi chẳng có gì ngoài những giọt nước mưa, và một vài hạt cơm rơi rớt trên đường. Gần chỗ tôi đang ngồi là một quán ăn, quán khá đông khách vì nằm trên ngã tư. Mùi đồ ăn thơm phức bay ra từ trong quán khiến cho bụng tôi càng thêm cồn cào, nó kêu lên òng ọc không ngừng… Ước gì tôi được vào đó và thưởng thức những món ăn ngon lành ấy, được như thế thì tôi chắc sẽ không còn điều gì để mơ ước nữa. Cảm giác được ăn ngon mặc ấm chắc chắn sẽ rất tuyệt vời…. Và tôi đã không ít lần tự nghi hoặc với chính bản thân – tôi có phải là con người không? Tại sao lại phải sống một cuộc đời khổ sở không bằng một con thú thế này?
Đang ngồi tranh thủ hít hà những mùi thơm ngon từ trong quán ăn, tôi vô tình nhìn thấy một người đàn ông không tay không chân ở trên chiếc tivi to đùng được treo trên một toà nhà cao gần đó. Tôi lấy làm lạ hết sức có thể, người đó thậm chí còn cụt cả tay cả chân một trăm phần trăm, chẳng giống như tôi còn được một nửa đôi tay và ½ đôi chân. Vậy mà cậu ta lại được mặc một bộ vest rất đẹp, được mọi người tung hô, hâm mộ, chụp hình quá trời. Cậu ta là người nước ngoài, không phải người Việt Nam, chợt tôi có một nghĩ loé lên, phải chăng cứ là người nước ngoài thì sẽ được mọi người yêu mến như thế sao? Mặc dù họ có như thế nào đi nữa? Thật kì lạ quá…
- Chết rồi! Công an đến dẹp đường kìa mọi người ơi….
Tiếng mấy bà bán hàng bên lề đường lao xao lên khiến tôi giật mình, họ vội vàng thu dọn hàng hoá, rau quả để không bị công an thu hồi, còn tôi vội vàng tìm chỗ náu thân để cho công an khỏi thấy. Tôi sợ công an lắm, lần trước khi thấy tôi ngồi đây, họ đã dùng dùi cui để xua đuổi tôi. Họ không cho tôi ngồi đây vì theo họ nói là làm mất cảnh quan đô thị. Chiếc dùi cui của họ vô tình đụng vào những vết thương lở loét của tôi, khiến tôi đau đến nỗi bây giờ nghĩ đến vẫn còn thấy run sợ. Chiếc xe chở công an gần tới, tôi luống cuống lết đi thật nhanh để họ không nhìn thấy… Nhưng cơn đói đã không cho tôi làm điều đó, tôi kiệt sức rồi, vậy là lần này, chắc có lẽ tôi lại không thoát được chiếc dùi cui đáng sợ đó…
Và chuyện gì đến rồi cũng đến, chiếc xe đáng sợ đó đã lao đến chỗ tôi, những chú công an bước xuống, dọn những hàng hoá mà người ta bày bán trên vỉa hè… Và một lần nữa họ lại xua đuổi tôi với chiếc dùi cui cứng chắc, tôi run rẩy cầu xin họ đừng khua khua cái cây màu đen đáng sợ ấy nữa, tôi cũng muốn đi lắm chứ, mà có được đâu. Nhưng họ chẳng màng đến nỗi sợ của tôi, thế là một lần nữa tôi lại bị chiếc dùi cui của công an đụng trúng vào vết thương lở loét…
Đau nhói!
Tủi nhục!
Tuyệt vọng!
Và mất niền tin vào lòng người…
Đó là những cảm xúc của tôi vào lúc này, trời bắt đầu đổ cơn mưa, và tôi đã dần dần mất đi ý thức, mắt tôi dần mờ đi và chẳng còn nhìn thấy được gì nữa, vì đói, vì đau, vì kiệt sức, vì tuyệt vọng… Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, tôi cảm nhận được mọi người xung quanh đang nháo nhào chạy đi trú mưa, những chú công an hình như cũng đã lên xe và chạy đi mất… Chỉ còn lại mình tôi nằm bất động trên vỉa hè ngã tư. Những giọt mưa lạnh buốt vô tình rơi vào những vết thương dơ bẩn của tôi, khiến chúng lại càng đau xót hơn… cứ như thế tôi dần chìm vào cõi mê và không bao giờ tỉnh lại nữa. Tôi mừng quá, vậy là tôi đã thoát khỏi kiếp mang thân phận “con người” nhưng lại chẳng bao giờ được sống đúng với hai từ ấy.
***
Người ta thường nói, không ai được chọn nơi mình sinh ra, nhưng được chọn cho mình cách sống, hãy sống và vươn lên tất cả… Nhưng sống như thế nào khi cuộc đời quá đen tối và vươn lên làm sao khi bị xã hội tranh nhau vùi dập?
Ở một đoạn truyện trên, nhân vật “tôi” đã nhắc đến hình ảnh người đàn ông không tay không chân được mọi người tung hô, ngưỡng mộ. Chắc các bạn đã dễ dàng nhận ra người đó là ai phải không? Vâng đó chính là Nick Vujicic – một con người vĩ đại được rất nhiều các bạn trẻ Việt cũng như cả thế giới biết đến và hâm mộ. Tôi cũng thế, tôi cũng rất hâm mộ chú ấy, vì đó là một con người tràn đầy nghị lực…
Nhưng các bạn có bao giờ tìm hiểu tại sao Nick lại thành công như thế không? Ngoài nghị lực phi thường của bản thân ra thì đứng sau Nick còn là sự ủng hộ của gia đình, của xã hội và những điều đó cũng là những nguyên tố không hề nhỏ để góp phần vào thành công trong cuộc sống con người nghị lực ấy.
Còn những người như nhân vật “tôi” ở câu truyện trên thì sao? Bên cuộc đời họ chẳng – có – một – ai – cả. Có chăng cũng chỉ là những khinh khi, tinh tởm và hất hủi mà người đời dành cho họ. Họ không có nổi một nụ cười, những ước mơ nhỏ nhoi và đơn giản đến nỗi chẳng đáng để gọi là ước mơ…
Nếu như xã hội không vùi dập họ, mở ra cho họ nhiều con đường để đi, thì tôi thiết nghĩ nước ta sẽ có rất nhiều Nick Vujicic. Câu truyện ở trên chỉ là một mảnh ghép rất nhỏ trong vô vàn mảnh ghép đau thương của những cuộc đời mang thân phận làm người nhưng lại sống thua xa so với những con thú cưng… Có thể bạn sẽ thấy tôi nói hơi quá, nhưng thực tế còn “quá” hơn thế rất nhiều…
Còn nhớ những ngày Nick đến Việt Nam và được chào đón nhiệt liệt, những ngày ấy tôi thấy mọi người thật cuồng nhiệt. Tôi tự hỏi trong hàng vạn bạn trẻ hâm mộ Nick, có bao nhiêu bạn có thể dừng lại ở ngã tư, nơi có những người cũng bị gần giống như Nick để giúp đỡ hay chỉ đơn thuần là trao cho họ những đôi mắt cảm thông.
Còn nhớ cách đây không lâu, đã có một tấm hình làm xôn xao cộng đồng mạng cũng như người Việt. Đó là tấm hình một ông Tây có đôi tay xăm xổ, mua một hộp cơm và ngồi đút cho một người bị bệnh phong cùi ngay trên đường, trong đất nước ta. Lúc ấy, có bạn nào tự hỏi "tại sao lại là người nước ngoài? tại sao không phải là người Việt ta?" Phải chăng trong khía cạnh ấy, chúng ta đã đối xử phân biệt dân tộc với chính dân tộc ta?