“Bốn giờ rồi. Mau dậy đi! Có muốn đi săn bình minh không hả?” – Tôi bị đánh thức bởi tiếng gõ cửa dồn dập. Dường như ai đó đang gọi tên tôi, giọng nói quen lắm, thật sự rất quen. Tôi ngay lập tức bật dậy. Bin, đúng là cậu ấy rồi.
Hoá ra Bin đã tới Cà Mau từ hôm qua, vì muốn tạo cho tôi sự bất ngờ nên cậu ấy giấu tiệt kế hoạch. Nhưng cậu ấy không ngờ tôi đã lên tàu ra đất Mũi ngay sau tour ra hòn đá Bạc, nên ngay khi đặt chân xuống bên xe, cậu ấy sẽ gọi xe ôm ra thẳng bến tàu, may mắn vừa kịp chuyến cuối cùng.
“Sao tìm được nhà nghỉ này? Sao biết tớ ở phòng này?”
“Đồ ngốc này! Có biết đây là nhà nghỉ duy nhất ở Mũi không hả? Còn tại sao biết cậu ở phòng này hả? Tên cậu nằm trong danh sách khách thuê phòng dưới quầy tiếp tân, hỏi chưa tới hai câu là biết liền hà” - Cậu ta nhìn tôi khoái trá.
Bin cho tôi 10 phút để vệ sinh cá nhân và thay đồ. Cậu ấy và chiếc xe máy thuê của nhà nghỉ chờ tôi dưới sảnh. Nếu không nhanh chân, chúng tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng Mặt Trời mọc trên biển.
Chiếc xe máy lao vút trên con đường mòn. Theo chỉ dẫn của anh chủ nhà nghỉ, chúng tôi đã không mất quá nhiều thời gian để tới nơi. Không khí buổi sớm còn se lạnh. Tôi co hai tay, tự ôm lấy mình. Bin khóa xe vào gốc cây rồi kéo tay tôi chạy trên chiếc cầu bê tông dài, dẫn ra tận biển. Mặt trời bắt đầu ló rạng từ phía xa. Ban đầu là đốm sáng màu vàng, nhỏ tí xíu. Rồi cứ thế lan rộng, lan rộng. Quầng sáng vàng rực của quả bóng to tròn ấy nhanh chóng lấp lánh của một vùng biển rộng. Nắng sớm tràn vào huyết quản. Nghe đâu đây chỉ thấy cảm giác yên bình.
“Đó! Thấy chưa, may mà cậu thay đổi ý kiến, quyết định tới đây. Nếu không, đâu được thấy cảnh tượng tuyệt vời thế này. Trả công “môi giới” cho tớ đi. Hehe!”
Bin không những không trả công mà còn cốc đầu, chê tôi “hám lợi”. Trước đó, tôi cũng đã thuyết phục cậu ấy đi cùng, nhưng bất thành. Bin bảo vườn thanh long nhà cậu ấy đã đến thời điểm chín rộ. Không thể chờ lâu hơn, trái cây sẽ đánh mất độ tươi ngon. Cậu ấy cũng không thể để ba ở nhà một mình với “đám yêu quái mặt đỏ râu xanh” đó được.
Bin thường cười khi nghe rồi gọi thanh long bằng cái tên ấy. Nhưng bọn chúng đúng là một đám yêu quái mà. Không những phải mất nhiều thời gian để cây ra trái, mà quy trình chín của nó cũng rất dễ đánh lừa những người không quen lựa quả. Trước đây, tôi thường cho rằng quả nào có lớp vỏ mọng đỏ nghĩa là đã chín, nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Sau giai đoạn đỏ mọng, thanh long sẽ trải qua giai đoạn căng vỏ. Khi ấy, trên vỏ sẽ có những đốm màu xanh, đánh tan màu hồng đỏ rực rỡ ban đầu. Nhiều người không biết thường cho rằng thanh long còn chưa chín. Kì thực không phải.
Nhắc đến đám trái cây, đột nhiên tôi thấy nhớ miệt vườn nhà bác Tám nơi tôi làm thêm. Tuy thời gian làm việc chưa dài, nhưng tôi luôn cảm thấy rất gán bó với khu vườn đầy hoa trái, với đám cá bơi lội tung tăng dưới ao, với những chiếc bẫy ruồi thủ công rất độc đáo… Tôi nhớ mảnh vườn ấy nhiều đến mức mới xa một chút là đã muốn về.
“Tớ Đất Mũi rồi, có định đi đâu nữa không?”
“Ý cậu là đi đâu?”.
“Nhiều người sau khi tới cực Nam thường đặt mục tiêu tiếp tục chinh phục cực Bắc, cực Đông, cực Tây. Ví dụ thế!”.
“Nhưng tớ đi đâu phải để chứng minh bản thân mình tài giỏi hay cố thể hiện rằng mình đã đặt chân đến nhiều nơi” – tại sao mọi người đều có chung suy nghĩ như Bin? Tại sao nhất định phải đến các địạ điểm nổi tiếng đó?
“Ơ này. Có nhất thiết phải tỏ ra nghiêm túc thế không hả? Tớ chỉ đang hỏi vì quan tâm thôi. Chỉ là tớ thấy hơi buồn khi nghĩ đến cảnh cậu rời đi.”
“Tớ đâu cố tỏ ra nghiêm túc. Hoặc nếu có, chỉ khi đứng trước câu hỏi ngố tệ như vừa rồi của cậu thôi.”
Đó là đoạn hội thoại giữa tôi và Bin trên chuyến tàu trở về thành phố. Còn hơi sớm để bắt xe khách lên Cần Thơ, chúng tôi ngồi ăn chè ở cửa hàng gần bến. Bin thì thầm, cậu ấy vẫn chưa quen lắm với những điểm đến phải di chuyển nhiều bằng xe cộ như ở đây. Tôi cười lăn, vỗ vai Bin và gọi cậu ấy là anh hùng sông nước.
Bin là hàng xóm của nhà bác Tám, anh trai của bố tôi. Kết thúc năm lớp 11 với giải Nhất môn Văn cấp tỉnh, cầm chắc một suất vào đội tuyển Quốc gia cho năm sau, tôi xin bố mẹ thưởng cho một chuyến đi xa. Bố đưa ra gợi ý: Cần Thơ. Phần vì đó là trung tâm của các tỉnh miền Tây, phần vì nơi ấy có bác Tám, bác ruột tôi chuyển vào đó định cư đã lâu. Tôi biết “dụng ý” của bố không đơn giản chỉ là “Từ Cần Thơ, con dễ dàng bắt xe lên Sài Gòn hoặc sang các tỉnh khác tham quan!”. Hơn thế, bố cần một người “giám sát” tôi những ngày xa nhà. Suy đi tính lại, tôi nghĩ đề nghị của bố không phải không tốt, ngược lại thì đúng hơn. Gật đầu, và ngày tôi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bác Tám đã ngồi xe khách ba tiếng đồng hồ lặn lội lên đón tôi. Tôi đã theo bác về nhà, rồi đam mê những cây trái trong vườn nhà bác, ở riết phụ bác chăm sóc cây. Cho đến khi nhận ra chỉ còn gần một tháng bám rễ ở mảnh đất miền Tây này, tôi mới xin phép hai bác, xốc ba lô lên vai, thẳng tiến đến nơi này. Miệt vườn của bác Tám là một trong những địa điểm tham quan dành cho khách du lịch. Sau vài buổi truyền thụ kiến thức từ bác, tôi đã có đủ tự tin dẫn khách đi dạo khắp vườn giới thiệu cây này cây kia, mời họ thưởng thức trái cây trong vườn. Bữa trước, bác bảo tôi nên học lái vỏ lãi. Tôi giật mình, hóa ra mình đã đến đây lâu đến mức cần có một phương tiện di chuyển cho riêng mình.
Công việc thường ngày của tôi là bón phân cho cây, đem thức ăn cho cá và kiểm tra độ chín của các loại quả trong vườn, … Được hít thở không khí trong lành là điều rất tuyệt, tôi thậm chí còn được thưởng thức rất nhiều lại sinh tố trái cây khác nhau nữa. Thi thoảng, đoàn chiếu phim từ thành phố ghé ấp, mang theo những bộ phim tuyệt vời. Tôi, Bin và những đứa trẻ con khác trong xóm kéo nhau đi xem. Con đường bê tông dẫn vào ấp nghiêng ngả, dốc hẳn về một phía. Khá nguy hiểm cho xe máy, xe đạp nhưng lại cực kỳ thích thú nếu chạy bộ trên đó. Tuy vậy, phương tiện di chuyển phổ biến nhất của những người trong ấp lại là vỏ lãi, một loại thuyền nhỏ có gắn động cơ. Bin dạy tôi cách điều khiển nó. Có hôm cậu ấy nổi hứng rủ tôi thi đua thuyền, kết quả là hai chiếc thuyền lao vào nhau, tôi rơi tõm xuống nước khiến Bin hốt hoảng, mặt tái mét.
Một buổi sáng, trong lúc dạo vườn, tôi phát hiện cây vú sữa được trồng từ hồi bố bác Tám còn sống đã bắt đầu ra những trái đầu tiên. Tôi sung sướng, nhảy cẫng lên, gọi mọi người trong nhà ra xem. Vú sữa không phải loại cây khó trồng, nhưng quá trình từ lúc cây phát triển thành những nhánh to đến lúc cây ra hoa, kết trái, dễ cần tới gần hai mươi năm. Tôi chạy đến bên hàng rào, í ới gọi để khoe với Bin. Cậu ấy hết nhìn cây vú sữa, lại nhìn tôi, rất lâu.
“Lúc nào cậu cũng nhìn người ta chằm chằm thế hả?”.
“Không, chỉ khi nào thấy cậu cười, thật tươi như vậy.”
Đám bạn thân khi biết tôi chuyển đến sống ở đây, thường nói nơi này như thể nằm ngoài thế giới vậy. Chúng tôi phải chạy vỏ lãi cả tiếng đồng hồ để vào thành phố nếu muốn xem phim hoặc uống cà phê trong các cửa hàng được trang trí màu sắc và độc đáo. Bin dạy tôi cách khắc phục bằng việc dựng rạp chiếu phim tại gia, popcorn là túi bỏng ngô vừa nổ ở nhà cô Sáu, pepsi là cốc cà phê hơi ngọt rất đặc trưng của người miền Tây. Điện thoại ở vùng này thường xuyên mất sóng, cách tốt nhất để giải trí chính là nằm trên chiếc võng ở cửa nhà và nói chuyện với mọi người.
Đôi khi, khu vườn của bác Tám đón những vị khách đến từ phía Bắc. Tôi thích những lúc dẫn họ đi quanh vườn và nghe họ kể những câu chuyện đang diễn ra ở quê nhà. Một chị hỏi. “Kì nghỉ Hè sắp kết thúc, cũng gần đến lúc em phải về rồi đúng không?”. Tôi thẫn thờ, cuộc sống ở đây êm đềm đến mức tôi gần như lãng quên đang diễn ra ngoài kia, hoàn toàn không nghĩ đến chuyện mình sẽ phải rời ấp nhỏ này và bay về phương Bắc.
“Ráng học cho tốt, nhất định phải thi đỗ Đại học đấy. Biết đâu chúng ta sẽ gặp lại, biết đâu mùa hè năm sau…”
Chúng ta vốn không thể nói trước những điều sẽ đến trong tương lai. Những giờ phút tạm biệt gia đình bác Tám, giờ phút nghe Bin cẩn thận dặn dò không biết bao nhiêu điều ấy, tôi đã nghĩ mình nhất định sẽ trở lại mảnh đất với những con đường gập ghềnh, những dòng sông và kênh rạch chằng chịt này. Tôi không nói với Bin, nhưng tự nhủ với lòng mình như thế. Như một lời hứa sẽ không bao giờ lãng quên vùng đất này, nơi đã dạy tôi cách lắng nghe mọi người mọi người, lắng nghe cuộc sống xung quanh…