Tôm ở chung phòng với tôi được vài tháng thì bố mẹ đề nghị tôi thả nó ra ngoài vườn. Tôm rụng lông nhiều lắm. Lông nó rải khắp nhà, trên nệm, bàn ghế, quần áo, cả đồ ăn cũng dính lông. Bố đóng cho Tôm một cái nhà nhỏ từ ván ép, đặt ngay ngắn dưới gốc cây xoài già. Mẹ khâu nệm mới, ấm và dày hơn để khi sương đêm xuống, Tôm không bị lạnh. Tôi móc tiền tiết kiệm mua đồ chơi, thêm một cái lốp xe ô tô cũ làm thành cái xích đu nhỏ. Tôi sợ Tôm tủi thân. Bố tôi bảo Tôm thuộc giống chó săn thông minh và nhạy cảm hơn các loài khác, vì thế tôi cần quan tâm đến nó nhiều hơn.
Nhưng có vẻ như Tôm lại thích ngôi nhà mới trong vườn hơn là cái nệm nhỏ sơ sài đặt ở góc phòng chật chội. Mất hai ngày đầu để làm quen, sang ngày thứ ba, Tôm bộc lộ rõ bản chất hiếu động. Tôm rất thích đào bới. Một buổi sáng, khu vườn nhỏ nhà tôi đã bị xới tung. Mấy bụi hoa đang chuẩn bị đơm bông ở góc vườn bị bật gốc. Sợ mẹ nổi trận lôi đình, bố con tôi lén lút dọn dẹp “hiện trường”, nhưng cũng chỉ được một chốc, quay đi quay lại đã thấy Tôm hí hửng ngậm trong miệng một bụi cúc chi. Mẹ bắt đầu nhận ra sự phiền toái của thành viên mới khi sàn nhà lúc nào cũng in đầy dấu chân Tôm cùng đất lẫn cát. Một lần bực quá, mẹ vớ lấy cây chổi lông gà quất nhẹ vào mông Tôm. Bị ăn đòn, nó lấm lét lùi về phía sau, vẻ sợ hãi. Không cần phải dùng biện pháp mạnh tới lần thứ hai, hễ mẹ lừ mắt, Tôm tự động lỉnh ra vườn, chui vào căn nhà nhỏ. Bữa nào có mẹ ở nhà, dù có ngứa ngáy chân tay lắm, nó cũng chỉ ngoan ngoãn ngồi vờn mấy trái banh da hay nghịch cây xích đu treo toòng teng trên tán xoài. Nhưng bóng mẹ vừa đi khuất, Tôm sẽ nhào bổ ra đám đất mềm ở góc vườn, hì hục đào bới như thể đang tìm kiếm báu vật.
Sáng Chủ nhật, nhà tôi có khách. Chú Hưng, bạn cùng cơ quan mẹ tới chơi, ngỏ ý muốn xin Tôm về nuôi. Chú Hưng ở một mình buồn, nhà cửa vườn tược lại rộng rãi. Bố nhìn mẹ, mẹ nhìn tôi. Mẹ nhỏ nhẹ:
- Nhà mình hơi chật. Chú Hưng cũng ở cách đây không xa. Cuối tuần, con có thể đến thăm Tôm nếu thích.
- Không được đâu! – Mặt tôi đỏ lựng lên.
- Bố mẹ đã quyết rồi. Con có thể nuôi một con chó khác thuần tính hơn, không phải giống chó săn hiếu động.
- Mọi người cứ thử bắt Tôm xem! – Tôi gằn giọng, chạy thẳng ra vườn.
Tôm rất khôn. Nó nhất quyết không cho chú Hưng đụng tay. Mặc cho bố mẹ gọi rát, nó trốn tịt dưới gầm giường. Vài lần như thế, chú Hưng nản, bố mẹ tôi cũng nản. Vậy là Tôm chẳng phải đi đâu. Cuối tuần, tôi dắt Tôm đi công viên dạo chơi, để ăn mừng thoát nạn. Lúc băng qua một bãi cỏ rậm, Tôm giật mạnh dây xích, chạy ào về phía sau. Cách chỗ tôi đứng chừng mươi bước chân, có một con chó bẹc-giê đang gầm gừ định lao tới. Tôm vờn quanh con chó lạ như muốn cảnh cáo. Cuộc rượt đuổi chỉ thực sự bắt đầu khi con chó lạ cáu kỉnh giơ chân táp trúng mặt Tôm. Khoảng 15 phút sau, Tôm trở về, liếm láp bộ lông sũng nước.Tôi phạt Tôm hai ngày, không cho nó ra khỏi nhà. Tôi mong nó hiểu dùng bạo lực để trấn áp kẻ lạ là một điều đáng xấu hổ. Nhưng Tôm không nghe lời. Có vẻ nó cũng chẳng sợ bị nhốt phạt.
Hôm sau, khoảng 6 giờ tối, tôi dắt Tôm chạy bộ quanh khuôn viên khu chung cư mới xây. Lúc băng qua đường, dây xích trên tay tôi bất ngờ bị giật mạnh. Tôm gầm gừ nhìn một con chó giống Đức xa lạ, đang chuẩn bị nhao người về phía chúng tôi. “Tôm, đi nào!” – Tôi giật mạnh dây xích. Tôm ngoan cố níu lại, thủ thế. Con chó lạ hiếu chiến bất thình lình lao phầm phập tới. Kẻ nó tấn công không phải Tôm, mà là tôi. Tôi không kịp né nên lãnh ngay một vết ngoạm bên chân trái. Ngay sau đó là một hỗn chiến kinh hoàng. Tôm vất vả ra đòn vì vướng sợi xích to ở cổ. Mọi chuyện chỉ thực sự kết thúc khi người đàn ông cao lớn chạy tới, kéo con chó giống Đức hung hãn đi, xin lỗi rối rít. Tôm bị thương ở tai. Nhưng nó không kêu. Nó liếm liếm vết trầy trên chân tôi rồi lầm lũi trở về.
Mẹ đưa tôi đi chích ngừa còn bố đưa Tôm đến bác sĩ thú y lau rửa bôi thuốc cho vết thương trên tai. Khi về, mẹ cứ xoa đầu Tôm mãi, nói rằng thật may mắn khi Tôm vẫn ở đây cùng gia đình tôi. Nếu không có Tôm bảo vệ, tôi đã bị con chó lạ tấn công trầm trọng hơn nhiều. Bố bảo tôi: “Tôm ngửi thấy mùi nguy hiểm xung quanh con, sẵn sàng chiến đấu với bất cứ kẻ nào có ý định tấn công con. Nó không hiếu chiến, mà chỉ muốn bảo vệ”. “Thế mà con không biết, bố ạ”, tôi xúc động. Bố trầm giọng: “Vì nó là người bạn rất thương bạn của mình. Nó biết con cũng vô cùng yêu thương nó”.
Tôi dắt Tôm đi dạo mỗi ngày. Tôi cố gắng dạy cho nó cách giữ bình tĩnh trước những mối đe dọa. Khi có một con chó lạ gầm gừ tiến đến gần, Tôm không cuồng lên và gầm gừ đáp trả nữa. Nó quay lại nhìn chằm chằm vào “đối thủ”, đủ lâu để có thể coi như một lời cảnh cáo, chờ nghe mệnh lệnh của tôi rồi quay lưng. Tôm không chỉ là một con chó thông minh, nó còn rất biết cách lắng nghe và kiểm soát tốt hành vi của mình. Tôi tin vậy.