Ấy vậy mà lúc nhận ra tôi vào buổi sáng, khi đang dạo bộ trong công viên, chính Sa chạy đến trước. Cô bạn rất ngạc nhiên khi biết nhà tôi chỉ cách nhà cô ấy có hai dãy thôi. “Huy nhớ lên nhà Sa chơi nhé!” Trong bụng thích mê, tôi vẫn làm vẻ mặt khó khăn như chưa thể quyết định. Đôi mắt trong veo của Sa trở nên tha thiết: “Huy đừng ngại. Ba mẹ Sa chắc chắn cũng rất vui khi biết Sa có bạn học gần nhà. Tụi mình sẽ chia sẻ bài vở nữa nhé?”. “Hmm… Cũng được!”. Tôi nói nghiêm trang. Cô bạn mỉm cười vui sướng. Còn tôi phải kềm chế lắm mới bình thường bước đi, chứ không nhảy phốc lên, đấm tay vào không khí và “gầm” lên đầy phấn khích.
Không phải là kẻ giả tạo, tôi chỉ cố gắng thể hiện những mặt tốt nhất mà mình có khi qua chơi nhà Sa. Cô bạn khoe tôi bộ sưu tập hàng trăm đồng tiền một câu chuyện đặc biệt mà khi Sa kể, tôi nghe không biết chán. Ba mẹ Sa là những người nghiêm nghị, nhưng cuối cùng cả hai đã mỉm cười và mời tôi qua chơi thường xuyên. Ba của Sa còn tiễn tôi ra tận thang máy. Lúc chỉ có hai người, chú ấy nói: “Chú rất vui vì Sa đã có bạn mới ở đây. Chú cũng phải nói trước, con gái chú cứng đầu lắm. Tính cách nó với vẻ ngoài của nó trái ngược nhau đấy!” Tôi sửng sốt. Thế nhưng cửa thang máy đã mở và tôi sẽ phải tự giải đáp các thắc mắc của chính mình.
Ba của Sa đã nói đúng. Tôi chưa từng gặp ai bướng bỉnh như Sa. Ngay cả những tên con trai khó chịu nhất tôi cũng có thể xử lý được nếu có xung đột. Nhưng Sa thì không. Có việc gì trái ý, cô bạn tức khắc làm thinh. Kẻ liên quan sẽ phải tự tìm ra lỗi của mình. Mà tôi ngán nhứt cảnh tượng đó. Cô bạn thông minh, học giỏi và duyên dáng khi đó sẽ biến mất. Giống như tôi đứng trước ngăn đá tủ lạnh. Mà các sai lầm của tôi cứ xảy ra luôn. Lần gần đây nhất, tôi qua nhà Sa, giải mấy bài tập lượng giác khó nhằn. Tôi làm tắt nên sai ở một bước mà không nhận ra nên vẫn khẳng định mình đúng và Sa mới cần kiểm tra lại các bước giải. Cho đến khi mở phần đáp án có sẵn. Thay vì nhận sai, chẳng hiểu sao tôi lại khoặm mặt: “Được rồi, Sa cứ việc làm tủ lạnh đi. Tớ sẽ không xin lỗi. Cũng không qua nhà Sa nữa đâu!” Cô bạn mím môi quay về cửa sổ, không thèm ngó tôi nữa. Chộp lấy áo khoác, tôi lao ra hành lang. Ra khỏi thang máy, vẫn còn tức giận, tôi rút tay khỏi túi áo. Vang lên tiếng “keng” khẽ. Một đồng xu văng ra, lăn dọc theo viền lối đi, rơi xuống thảm cỏ bên dưới. Mất một lúc, tôi mới hiểu điều vừa xảy ra. Tôi chạy theo hướng lăn của đồng xu. Tuy nhiên, thật khó tin, đồng xu đã biến mất dù tôi tìm mãi, tìm mãi. Giống hệt như nó thực sự muốn chạy trốn khỏi tôi vậy. Một ngày tồi tệ. Tôi lủi thủi đi về nhà, vừa giận mình, vừa buồn Sa, vừa tiếc đồng xu.
Đó là đồng 1 lira bác Hai của tôi mang về từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng xu Sa còn thiếu trong bộ sưu tập. Giá trị không lớn nhưng khá hiếm. Để có đồng xu ấy, tôi đã lau bụi tủ sách cho bác Hai cả buổi sáng. Vậy mà…
Sau đó là kỳ nghỉ Tết. Cả nhà Sa về đón năm mới ngoài Nha Trang. Không gặp cô bạn, tôi mới biết có những ngày dài thế nào và buồn thế nào. Tôi lấy hết các bài tập ra làm rồi dán mắt vào TV, không ngắm nhìn khung cảnh mưa phùn ngoài cửa sổ, không gối đầu lên cánh tay thả trí tưởng tượng lang thang nữa.
Rồi cả nhà Sa cũng quay về thành phố. Ô cửa tầng chín lại sáng đèn. Tôi chỉ muốn chạy lên gõ cửa, nói tất cả những câu đã nghĩ ngợi suốt thời gian qua. Thế nhưng cảm giác tự ái vẫn còn đeo bám. Tôi lòng vòng dưới công viên, tối mịt và bắt đầu gió lạnh thì mới quay trở về dãy nhà mình.
Chuẩn bị bước lên bậc thềm đá hoa cương, bỗng tôi nhìn thấy một đốm sáng. Rất nhỏ, loé lên rất nhanh. Nằm ngay giữa thềm đá và đất cỏ. Tôi cúi xuống. Đó chính là đồng xu đã mất. Mấy trận mưa phùn mùa Xuân đã đưa nó trôi theo khe thoát nước từ bên dãy nhà Sa qua đến bên đây.
Tôi gõ cửa. Gần như ngay tức khắc, cánh cửa mở ra. Sa nhìn tôi, đôi môi vẫn mím chặt nhưng cặp mắt lấp lánh ánh sáng của nụ cười. Tôi nói: “Tụi mình huề nhé!” Cô bạn còn chưa kịp gật đầu thì ba của Sa đã kéo cửa rộng hơn: “Vào đi anh bạn. Sao lâu không thấy mặt. Sa có mua về cho cháu một chậu sen đá. Nó trông hoài mấy bữa nay mà không thấy cháu qua!”
Tựa như chưa từng có thời gian giận dỗi xa cách, hai đứa lại ngồi học bài, ăn bánh mẹ Sa làm và ngắm nghía chậu sen đá bé nhỏ. Lúc sắp về, tôi xoè bàn tay, đưa cho cô bạn đồng xu. Sa ôm má, mắt tròn xoe sung sướng và ngạc nhiên: “Ở đâu Huy có vậy?” Tôi nở nụ cười bí mật: “Đồng xu tìm đến với tớ. Nó bảo tớ rằng, hãy mang nó cho Sa và cả hai đừng có giận nhau!”. Cô bạn chống cằm, nghĩ ngợi gì đó rồi gật khẽ: “Ừ, tụi mình sẽ không tự ái và không giận nhau lâu nữa nhé!”.