Có tiếng chuông cửa reo một hồi dài, rồi tiếng chân chạy thình thịch. Cửa mở, một cô gái ló đầu ra.
Đó là đứa bé trai chừng chín tuổi. Nó đã co chân chạy mất hút. Cô gái định trở vào thì chợt nhìn thấy mấy nhánh phượng lẻ loi nằm dưới đất. Cô bước đến, cuối xuống nhặt lên. Vào cuối tháng tám, đây là những bông hoa nở muộn. Không thắc mắc ai đã bỏ lại, cô gái cầm những cánh hoa bằng cả hai tay, vừa đi vào nhà, vừa ngắm với vẻ thích thú.
Vào nhà, cô gái đặt những cành hoa trên bàn, rồi ngồi xuống ghế, nhìn ra cửa sổ. Bên kia đường là những cây thông đang lay động cành lá. Xa hơn là dòng sông lặng lẽ trôi. Trên bầu trời trong xanh vời vợi, những cụm mây trắng lững lờ bay. Và đôi mắt của cô gái trở nên xa xăm. Bỗng cô đứng lên, bước về phía tủ lấy ra một quyển sổ dày, bìa bọc nylon có hình một cô ca sĩ nổi tiếng. Quỳ dưới đất , cô gái lật quyển sổ. Ở trang đầu là bốn chữ to, viết nắn nót và được tô đi tô lại đậm nét "LƯU BÚT NGÀY XANH", phía dưới là chữ số 10A2. Ở một trang giấy có ép những bông hoa phượng. Màu thắm của hoa đã hòa lẫn với màu thời gian, trở thành màu sẫm. có một cánh hoa bị gấp lại. Cô gái cẩn thận gỡ ra và vuốt lại cho thẳng. Rồi cô lật trở lại trang đầu, đọc lại những gì mình đã viết đầu hè năm ngoái.
"Tập sách rồi sẽ ngã vàng màu giấy
Chữ viết rồi sẽ phai màu mực
Những hạt bụi phấn rồi sẽ bay về đâu?
Màu phượng vĩ và tiếng ve sầu mỗi năm mỗi trở lại
Như lời hứa hẹn không quên
Và trường lớp, bảng đen, phấn trắng vẫn mãi mãi qua năm tháng
Nhưng...
Tuổi học trò rồi sẽ qua đi
Mỗi dòng chữ sẽ là một bông hoa đẹp mà Q. sẽ trân trọng và gìn giữ suốt cuộc đời như gìn giữ tình thầy trò bè bạn
Sẽ mãi mãi thắm đỏ trong lòng như màu hoa phượng vào hè."
Cô gái tiếp tục lật. Đây là tấm hình của Hồng chụp trước cổng trường với khuôn mặt bị vẽ râu (tất cả hình ảnh trong cuốn Lưu Bút đều được vẽ râu, trừ hình của thầy cô). Hồng đang ngồi trên chiếc PC, đằng sau là cặp. Dưới tấm hình là những dòng chữ "Ôi chao! Chưa biệt ly mà đã thấy nhớ Q. ơi..."
Cô gái lật tiếp. Đây là hình chụp bốn đứa (Do anh chàng "Hải Văn Nghệ" chụp). Trong hình cô đang đứng nghiêng đầu dựa vào gốc phượng, Hồng đứng kế bên hai tay ôm lấy cô. Nhỏ Tuyết thì đang ngồi trên một cành cây. Còn Lan thì đứng cạnh Hồng, hai tay chống nạnh. Tất cả cùng cười... Tấm ảnh này do Tuyết dán vào. Tuyết ghi:
"Hè đến phượng hồng nở biệt ly
Mùa thi sắp đến ta hỏi mi
Bài không học, đứng, ngồi, chi??? Hi... Hi..."
Còn trang của Lan có vẽ một cành hoa phượng to. Lan viết:
"Sắc hoa rực rỡ của phượng hồng ngoài cửa lớp nhắc nhở chúng ta một lần nữa mùa hè đã trở lại! Tiếng ve sầu kêu vang báo hiệu phút chia tay. Con tàu mùa hạ chở đầy một năm học đang sầm sập lướt qua. Ôi! Những toa tàu chất đầy kỷ niệm. Lời giảng thầy cô, bút mực học trò, và cả những trái mận của Q. nữa đó..."
Chợt nhớ lại nồi cơm đang nấu dở. Cô gái bỏ quyển Lưu Bút xuống chạy sang nhà bếp. Trên bếp lửa cháy to ngọn là nồi cơm đang sôi sùng sục. Cái nắp vung mắp máy nhích lên, hơi nóng thoát ra không ngớt. Cô gái đưa tay ra sau, cột lại mái tóc của mình bằng chiếc khăn tay trắng. Rồi chắt nước, bớt lửa. Xong, cô lại chạy lên nhặt quyển sổ, đọc tiếp. Được một lát, cô gái lại chạy đi mở nắp nồi, xới cơm rồi nhắc xuống. Cô bỏ vào lò vài mảnh than, quạt lên, cho thêm củi và bắc cái ấm nước lên. Hơi nóng của bếp lửa hừng hực tỏa ra làm đỏ bừng cả đôi má mịn màng, trắng hồng của cô gái. Mồ hôi làm ước những sợi tóc mai. Quay trở lại, ngang chổ con mèo đang nằm trên đầu tủ, cô gái lấy tay vuốt vuốt đầu nó. Con mèo kêu lên:
- Meo... meo...
Cô gái nói:
- Xong rồi đấy Mêzy, đợi ba về ăn cơm, chị đi giặt đồ đây!
Rồi cô đi lấy thau, xà bông, những bộ đồ của cô, của ba cô, đi vào nhà tắm.
Một lát, có tiếng xe máy dừng trước cổng. Cô dừng tay, nhúng vào thau nước rửa vội và chạy lên.
Mở cửa cô reo như một đứa trẻ:
- A! Ba về!
Một người đàn ông chừng ba mươi lăm, ba mươi sáu tuổi, cao và hơi gầy, nước da sạm nắng mặc bộ đồ củ kỹ, áo bỏ trong quần, đẩy chiếc Honda Đam cũng củ kỹ vào sân. Đó là ông Nghĩa cha của cô gái.
Dựng xe lên, ông Nghĩa như thông lệ hôn lên trán con rồi nói:
- Ba đói lắm rồi, Quỳnh ạ!
Quỳnh nắm lấy cánh tay cha. Hai cha con cùng vào nhà.
Quỳnh nói với cha:
- Con đã nấu cơm xong, ba nghỉ một chút đi, con dọn cơm. Ba có mua sách cho con không ba?
Ông Nghĩa gỡ tay con gái ra:
- Kìa, tay con ướt thế kia, sao không lau khô đi?
Rồi khi nhìn thấy những bọt xà bông trên áo con, ông dừng lại:
- Con giặt đồ phải không?... Trước khi tiếp ai, hãy lau tay khô, xem lại áo quần của mình chứ?
Bị cha rầy, Quỳnh xịu mặt:
- Ba chứ đâu phải khách!
- Ba cũng thế!
Quỳnh đành chịu:
- Dạ con nhớ.
Rồi cô xuống nhà, sau khi lau tay, cô mang lên cho cha một cái khăn ướt.
Trong bữa cơm đó, ông Nghĩa nói là chưa mua được sách. Họ thỏa thuận với nhau là sẽ cùng đi. Và như mọi năm, hai cha con sẽ cùng đến trường vào ngày khai giảng năm học, chỉ còn hai ngày nữa thôi.
Tay ôm cặp trước ngực, với áo sơ mi trắng tinh may sẵn phù hiệu, với quần tây màu xanh đậm, bộ đồng phục thân thuộc của tuổi học trò. Quỳnh đứng nép vào một bên cổng trường. Trông cô rụt rè bỡ ngỡ như những năm đầu tiên thời thơ ấu. Trở lại trường, dõi mắt tìm kiếm bạn bè, thầy cô cũ, lòng cô bồi hồi xúc động. Thế là đã qua đi một mùa hè nữa. Năm nay Quỳnh bước vào năm thứ mười một của đời học sinh. Sang năm sẽ là lớp mười hai, rồi ra đi, rời xa vĩnh viễn ngôi trường thân thương. Ôi! Sao nhanh quá!
Trước cổng trường, những dòng người từ hai phía đổ về mổi lúc một nhiều. Ba,n bè gặp nhau, tay trong tay, vai sánh vai, chuyện trò tíu tít, cười đùa giòn giã. Có nhiều người chờ đợi. Quỳnh cũng thế, cô chờ một người.
Một lát, trong đám đông tụ tập trước cổng, có một cô gái vừa xuống xe PC, vóc người nẩy nở, da trắng, tóc dài uốn mái đằng trước, khuôn mặt đều đặn, khá đẹp, vừa đẩy xe vào cổng, vừa đưa mắt nhìn quanh. Trông thấy cô gái, Quỳnh chạy ra, nắm lấy tay bạn mừng rỡ:
- Ghét!Quỳnh chờ lâu lắm rồi đó!
Cô gái dừng xe, nhìn Quỳnh từ đầu đến chân:
- Ui cha! Nàng công chúa của tôi! Trông em xinh đẹp hơn năm rồi cô bé ạ.
Quỳnh đỏ mặt, véo vào lưng bạn một cái, nói sang chuyện khác:
- Hồng về từ bao giờ vậy?
- Gần một tuần rồi.
Hai người bạn vừa đi vào cổng vừa nói chuyện.
- Mấy hôm nay Quỳnh gọi điện thoại cho Hồng mà không gặp.
- À, về nhà Hồng lại phải mang quà đi biếu bà con.
- Đi Vũng Tàu vui lắm hả Hồng?
- Vui lắm! Hồng ở cả một tháng!
- Hèn chi Quỳnh có lại nhà mấy lần, em Hồng nói Hồng đi chưa về.
- Quỳnh ơi, Hồng có gặp Tuấn...
Rồi như lỡ lời, Hồng ngưng lại. Mặt cô đỏ lên, cô giải thích:
- Tuấn anh bà con của Hồng cũng ở Vũng Tàu đấy!
Quỳnh không có vẻ gì chú ý đến điều đó, cô nói:
- Kể cho Quỳnh nghe chuyện Vũng Tàu với nhé... Lâu lắm rồi Quỳnh không được đi Vũng Tàu. Hè này Quỳnh chỉ về quê có một tuần lễ .
- Đi với "Bố Già" hả?
- Ờ, Quỳnh đi với ba.
- Hồng biết mà. Và bữa nay "ông cụ" cũng lại chở Quỳnh đi học chứ gì?
- Ờ, như mọi năm.
- Hồng biết vậy nên không đến đón Quỳnh đó.
Từ nhiều năm nay, ông Nghĩa thường xuyên đưa Quỳnh đi học và đón cô về, trừ khi ông bận công tác. Những lúc như thế, Quỳnh thường đi chung xe với Hồng hoặc đi bộ. Quỳnh và Hồng học chung từ năm lớp sáu đến nay. Nhà Hồng tương đối khá giả. Ba Hồng là chủ một cơ sở sản xuất. Họ chơi với nhau rất thân.
Bước vào cổng trường, họ đi giữa hai hàng học sinh đồng phục chỉnh tề, nam nữ xen kẽ. Đây là nhóm đại diện cho những học sinh lớp mười hai năm nay, đứng chào quan khách và học sinh lớp sáu vừa mới nhập trường. Những đứa em út của một ngôi trường phổ thông cấp hai và bạ Từ sáng sớm, số học sinh này như những chú chim non, nắm tay cha mẹ, giương đôi mắt nhìn ngôi trường đồ sộ mà các cô các cậu chưa từng thấy, để rồi gắn đời học sinh của mình suốt bảy năm còn lại với ngôi trường này, trước khi bước vào đại học hoặc vào đời lăn lộn kiếm sống. Đáp lại những anh chị "to lớn, đàng hoàng" đang vui vẻ chúc mừng họ với nhừng nụ cười, lời chào hỏi, hoa và nhạc (Các chị cầm hoa vẫy, các anh chơi đàn ghita hoặc mandolin), vào dịp lễ bế giảng cuối năm, đại diện của các cô các cậu lớp sáu sẽ đứng thành hai hàng ở cổng để tiễn đưa các anh chị lớp mười hai rời trường. Đó là một phần của lễ khai giảng và bế giảng, đã trở thành truyền thống của trường này, một trong những ngôi trường to lớn, cổ kính và đẹp nhất của thành phố mang tên vị nữ anh hùng dân tộc Bùi Thị Xuân. Không những tất cả các học sinh đã và đang học tự hào về trường mình, các học sinh học xong cấp một ước ao được vào học, các phụ huynh hết lời khen ngợi, mà các thầy cô trong thành phố cũng nhắc đến tên Bùi Thị Xuân với lòng trân trọng. Bởi vì Bùi Thị Xuân đã nổi tiếng là đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước, vì học sinh ở đây có nề nếp, đạo đức tốt và học giỏi....
DakMil.WapSite.Me
Chúc bạn có những giây phút thật vui vẻ