-Hay là để em về trước có lẽ tiện hơn.
Khôi bèn gạt đi:
-Không! Làm gì mà em phải đi về? Nếu em thấy không tiện thì có thể vào nhà trong hay lên lầu chờ anh một chút cũng được.
Yến nhìn Văn-Lang cười nhạt:
-Như vậy có được không ‘thám-tử’?
Nghe Yến gọi mình là ‘thám-tử’, Văn-Lang cảm thấy dở khóc dở cười. Chàng biết nàng có ý chửi xéo mình, cho là mình ghen tức nên mới dò thám, muốn xen vào chuyện của nàng và bây giờ có ý kiếm chuyện với Khôi, mà dưới mắt chàng là ‘tình địch’. Văn-Lang chỉ đành cười trừ mà đáp:
-Có gì mà không được? Tùy quý-vị muốn sao thì muốn!
Yến cau mày nhìn Văn-Lang hỏi:
-Mà chuyện gì quan-trọng đến như thế hả?
Văn-Lang không nhịn được, cười gằn đáp:
-Chuyện đàn ông!
Yến ‘hừ’ giọng mũi một tiếng bỏ vào trong rồi bước lên trên lầu. Chờ cho đến khi không còn nghe thấy tiếng chân nàng nữa, Văn-Lang mới khơi chuyện.
-Anh Khôi! Tôi có chuyện rất quan-trọng phải hỏi anh và mong anh trả lời hết sức thành thật với tôi!
-Chuyện gì?
Văn-Lang khẽ hít vào một luồng không khí rồi nghiêm nghị hỏi:
-Đêm hôm chia tay tôi tại tửu lầu và cũng là đêm xảy ra án mạng, anh có mặt tại nhà bà Hội và có đánh tên Quý kia phải không?
Khôi gật đầu nói:
-Phải?
Văn-Lang ‘à’ một tiếng xong hỏi tiếp:
-Thế thì tại sao anh lại giấu tôi, không cho tôi biết?
-Vì anh có hỏi tôi đâu!
Văn-Lang gật đầu, cho là câu trả lời của Khôi hợp tình hợp lý.
-Phải nhìn nhận là anh nói đúng. Đó là lỗi tại tôi không hỏi anh. Nhưng bây giờ tôi đã biết, và chuyện trở nên vô cùng phiền phức rồi đó. Vậy anh cho tôi biết lý do vì sao anh trở lại... Lúc đó là mấy giờ... Đánh tên Quý đó ra sao, có bị trọng thương gì không... v... v..., nhất nhất phải kể lại cho tôi từ đầu đến đuôi không thêm không bớt bất cứ một lời nào, hay một chi-tiết nào!
Khôi gật đầu nói:
-Anh sẽ được toại nguyện thôi! Hôm đó lúc chia tay với anh, tôi về lại nhà. Ngồi một lúc lại nghĩ đến những thái độ của tên Quý và mấy người kia mà chịu không nổi nên tôi quyết đến nhà bà Hội gặp hắn và mấy người dằn mặt một chuyến. Lúc đó vào khoảng trên dưới 11 giờ. Nhưng tôi chỉ gặp có tên Quý cùng với một người đàn ông tên là Toàn và Thằng Phát. Vừa gặp tên Quý, tôi lên tiếng cảnh cáo hắn là nếu còn xúc phạm tôi thêm một lần nữa là tôi sẽ liều cái mạng này với hắn. Chẳng ngờ hắn lại giở giọng hăm dọa đòi kiện tôi ra tòa nên tôi nổi cơn thịnh nộ xông lại cho hắn mấy đấm và mấy đá. Hắn chỉ bị sưng mặt sơ sơ thôi chứ không có thương tích gì trầm trọng hết. Thằng Phát sau đó can tôi và xin lỗi tôi, xin tôi đừng đánh tên Quý nữa. Tôi sau đó bớt giận nên cũng bỏ về nhà. Về đến nhà lúc đó vào khoảng 12 giờ đêm. Sau đó, tôi ngủ luôn một giấc cho đến sáng hôm sau...
Văn-Lang bỗng ngắt lời:
-Lúc đó là mấy giờ?
-Khoảng 11 giờ 15 cho đến 11 giờ 30.
-Anh đi bằng ngõ trước hay ngõ sau?
-Ngõ trước.
Văn-Lang chép miệng một cái rồi hỏi lại:
-Tôi hỏi lại một lần nữa. Anh đi vào bằng ngõ trước hay ngõ sau?
-Ngõ trước! Anh có hỏi tôi thêm 100 lần nữa thì câu trả lời của tôi vẫn là ‘ngõ trước’ mà thôi chứ không gì khác hơn đâu!
-Sau khi về nhà rồi anh còn trở lại thêm một lần nữa không?
-Không!
-Chắc chắn?
-Chắc chắn!
Văn-Lang đứng dậy nói:
-Được rồi! Bây giờ tạm thời như thế là đủ. Nếu có gì cần thiết tôi sẽ đến hỏi tiếp.
-Rất sẵn sàng!
Văn-Lang nói đôi lời tạm biệt rồi bỏ ra về. Bao nhiêu sự việc dồn dập quay cuồng liên tục trong đầu chàng. Tự-nhiên trong lòng Văn-Lang dâng lên một nỗi buồn lạ lùng. Không hiểu là vì công việc của chàng trong những ngày sắp đến trở nên khó khăn, hay là vì sự có mặt của Yến tại nhà Khôi. Mà cũng rất có thể là cả hai. Dù buồn, Văn-Lang vẫn không nản chí chút nào. Chàng chỉ cho đây là một phần nhỏ trong những thử thách của cuộc đời. Chính cuộc đời Văn-Lang cũng không thiếu gì những thăng trầm, hay dở đều có cả. Ái-tình, thế thái nhân tình lúc nào cũng là con dao hai lưỡi. Ai đến với mình được ắt cũng sẽ bỏ mình được. Ai thương yêu hay kính phục mình được đương nhiên cũng sẽ thù ghét mình được. Ranh-giới giữa yêu và hận, bạn và thù rất mong manh, còn mong manh hơn tất cả những gì thế nhân tưởng tượng nhiều lắm!
Một thám-tử điệp-viên chuyên nghiệp được huấn-luyện rất kỹ về những lãnh vực này. Từ học-thức cho đến cách giao-thiệp, cách uyển-chuyển mọi việc, cộng thêm các tài-nghệ cá-nhân như võ-thuật, bắn súng... Nhưng quan-trọng hơn hết, ý chí phải được nung nấu và rèn luyện để trở thành sắt đá. Nói như thế không có nghĩa là phải mất hết nhân tính mới làm việc hữu hiệu được, nhưng chẳng qua là bất cứ một ai trong nghề này phải luôn luôn biết xử dụng lý trí để kềm kẹp con tim.
Dĩ-nhiên nói thì dễ, nhưng đến khi đụng trận thì mới thấy thật không phải đơn giản chút nào. Một điều mà Văn-Lang đã thấy ứng-nghiệm là nghề thám-tử điệp-viên rất cô đơn lạc loài. Và có ai biết được hay đoán trước được những gì sẽ xảy ra! Rất có thể một ngày nào đó chính bản thân chàng sẽ phải ‘sinh nghề tử nghiệp’, sẽ phải ngã gục chết bất đắc kỳ tử mà khó ai giải thích nổi! Nhưng Văn-Lang đã chấp-nhận tất cả kể từ ngày chàng quyết định chọn nó làm sinh kế. Chàng đã chấp nhận cũng như sẽ đón nhận những niềm vui nho nhỏ tình cờ trên đường mình đi nếu có, dù chỉ là tạm bợ, và mặc kệ không cần biết thời hạn là bao lâu, hay sẽ đi về đâu...
...... nguồn DakMil.WapSite.Me .......
Văn-Lang đi qua đi lại, nhìn ngắm người qua lại trước câu-lạc-bộ thể-thao. Chàng đang đảo mắt nhìn chung quanh đột nhiên có tiếng gọi:
-Văn-Lang!
-Cô Yến! Tôi tìm cô nãy giờ mà chẳng thấy đâu!
Yến nhìn Văn-Lang cười nhạt nói:
-Mới đợi có vài phút mà anh đã cảm thấy khó chịu rồi à?
Văn-Lang lắc đầu. Yến bằng mọi cách vẫn cay đắng với chàng. Chàng dù chán nản hết sức nhưng vẫn cố trầm tĩnh.
-Thôi! Đó không phải là chuyện chính. Chẳng hay cô hẹn tôi tới đây có chuyện gì?
-Anh có thể đi bộ với tôi tới đằng kia được không? Càng vắng người càng dễ nói chuyện.
-Được!
Đi khỏi qua phạm-vi hội-quán được chừng 100 thước, Văn-Lang lại hỏi:
-Bây giờ cô có thể cho tôi biết rõ lý-do gì muốn gặp tôi được chưa.
Yến nhìn Văn-Lang bằng một cặp mắt căm hờn. Nàng nói bằng một giọng đầy oán trách:
-Anh thật là nhỏ nhen, anh biết không? Chỉ vì không được tôi chiếu cố nữa mà đâm ra thù lây cả người khác!
Văn-Lang thoáng hiểu, nhưng giả tảng nói:
-Cô nói gì tôi không hiểu.
Yến nghe nói càng giận dữ, hạch sách chàng rằng:
-Anh đừng làm bộ ngây thơ nữa có được không? Được, đã thế thì để tôi nói trắng ra cho xong. Vì lẽ gì mà anh làm khó anh Khôi?
Văn-Lang nghe nói bỗng cười rộ lên:
-À! Sở dĩ cô bảo tôi nhỏ nhen là vì chuyện này. Tội của tôi là dám làm khó người cô yêu. Tôi hiểu rồi, biết rồi!
Yến lườm Văn-Lang một cái rồi hậm hực lên tiếng:
-Hừ! Tôi yêu ai thì kệ tôi! Chỉ biết là tôi không yêu anh là được rồi! Nhưng anh trả lời đi. Tại sao anh tìm cách hại anh Khôi trong khi rõ ràng anh ấy vô tội?
Văn-Lang vẫn cười cợt, giọng châm chọc:
-Nói thật đi. Có phải cô yêu anh Khôi không?
Yến biết là Văn-Lang chọc ghẹo mình, song nàng vẫn chịu không được bèn sẵng giọng:
-Ơ! Cái anh này hay thật! Tôi có yêu anh Khôi hay là không thì mắc mớ gì tới anh chứ? Mà cứ cho là tôi yêu anh Khôi đi. Điều đó có gì sai quấy hay phạm pháp không?
-Dĩ nhiên là không sai! Nhưng trước khi nói chuyện với cô thì tôi cần phải biết rõ ràng điều này!
-Tại sao anh vô lý như vậy?
-Tôi không vô lý chút nào cả.
-Còn bảo là không?
Văn-Lang cảm thấy mình không nên day dưa cợt nhả mãi thế này vì chuyện sẽ chẳng đi đến đâu hết. Nghĩ vậy, chàng bèn nhìn Yến nghiêm-nghị, dõng dạc nói:
-Thôi được rồi! Để tôi nói thẳng một lần cho xong. Nếu cô có yêu anh Khôi thì mới quan-tâm đến sự an nguy của anh ta đến như vậy. Và nếu cô có thật lòng yêu anh Khôi thì mới có cớ để hạch sách tôi, thì mới có quyền đòi hỏi lời giải thích của tôi. Còn nếu như cô không yêu anh ta thì tôi không cần phải nói chuyện với cô về vấn đề này làm gì cho phí thì giờ. Rõ chưa hả cô nương?
Nghe Văn-Lang nói, Yến chơi chột dạ. Nàng hiểu trong cái thật của Văn-Lang đôi khi có cái đùa, và ngược lại trong cái đùa của chàng cũng có cái thật. Nếu nàng muốn lý-luận với Văn-Lang thì phải biết ‘tùy cơ ứng biến’ chứ không thể nói ngang với chàng được. Nghĩ vậy Yến đành dịu giọng nói:...
DakMil.WapSite.Me
Chúc bạn có những giây phút thật vui vẻ