Nhớ hoài câu ấy, lấy chị làm hình ảnh để noi theo, để thắp lửa đam mê trong lòng.
Giờ cả hai bận rộn với quá nhiều dự án cá nhân, hiếm hoi lắm mới có được một lần nói chuyện. Có khi chị giận… nhưng thực tâm, vẫn luôn coi chị là người thầy đã truyền cho sức mạnh vô biên của sự đam mê.
Cô.
Cô hơn mẹ một tuổi, ở cái tuổi này đáng lý đã phải có gia đình riêng cho mình… nhưng số cô lận đận, tới giờ vẫn chỉ có được gia đình chung và mấy đứa cháu.
Từ nhỏ cha mẹ bận làm, nên chăm sóc chính vẫn chỉ có cô và bà nội. Giờ nhà vắng vẻ hơn trước, nhưng cô vẫn ngày ngày lui cui lau dọn. Đợt nội bệnh, hai ba giờ sáng, cô cũng là người duy nhất thức dậy chăm lo, sáng đến nơi nhìn cô mệt mỏi xách giỏ đi chợ sớm, lòng đau.
Con chú sinh ra hơi khó nuôi, cô nhận về dưỡng dục, đó giờ nó cũng kêu cô là mẹ. Nhớ năm nào con bé bệnh nặng, cô ôm nó trong tay nước mắt chảy ướt áo, chỉ xin Trời Phật cho tai qua nạn khỏi. Giờ con bé đã gần 15, có tháng chú thím kẹt tiền, cô lấy tiền túi ra đóng cho nó.
Đôi khi đi chơi, đến tầm 1, 2 giờ sáng, nghe tin nhắn báo, không cần mở lên cũng biết là cô, đơn giản ba chữ “Có về không” nhưng đựng đầy cả đêm dài chờ đợi, quan tâm.
Cha nói, “Cô không con cái, sau này bây phải lo cho cô…” Cười với cha, “Đâu cần cha dặn, chuyện này con biết là nghĩa vụ rồi…”
Nói nghĩa vụ nghe sao nặng, nhưng thực lòng biết, đã từ lâu coi cô là Mẹ thứ hai, Mẹ mà cả một căn nhà không thể nào thiếu. Từ cô, học được bài học về tình thường bao la.
Bà.
Là một người đàn bà xa lạ, tầm ngoài 50, bán vé số ở một ngã tư trên đường đi làm ban sáng, hầu như ngày nào cũng có lần gặp qua.
Đôi chân teo cơ cong quắp, cánh tay ngoặt ngoẹo cố gắng xếp từng tờ vé số, đôi khi là cố lùa muỗng cơm vào miệng. Đầu bà quẹo sang một bên, hơi cúi xuống, do vậy mà mắt muốn nhìn ai cũng xếch ngược dữ tợn.
Mỗi lần đèn đỏ, xe dừng kế chỗ bà, bà lại cất giọng rao, “Vé số chiều xổ” bằng cái giọng cao vút, chói tau, khó khăn lắm mới nghe ra được. Ngày nắng thì có thêm cái nón lá rộng vành rách vài chỗ, mưa thì gặp cảnh bà chống tay, nặng nhọc lê thân mình vào núp mưa trong cây xăng gần bên.
Tội, thương, có lần dừng xe để vào chiếc nón của bà 10 ngàn đồng rồi tính chạy xe tiếp. Chưa gì thấy tay bị níu, bà cầm tờ vé số, ấn vào tay, cũng bằng cái giọng cao vút, khó nghe, cố nói rõ ràng từng chữ, “Cầm, tui không ăn xin.” Dừng xe, cúi đầu xin lỗi rồi nhận tờ vé số, lòng hổ thẹn vô cùng. Từ đó hiểu ra, cho tiền một người có khi lại là cách làm tổn thương người ta vô cùng tận.
Họ xuất hiện từ bốn mốc cuộc đời, và dạy về bốn bài học khác nhau, chỉ là có chung một chất đàn bà trong cơ thể. Có mấy người cứ coi khinh đàn bà, nhưng xin lỗi, chuyện đàn bà đôi khi mất cả đời vẫn không sao hiểu cho hết.
An toàn
Hai lăm, chợt nhận ra bản thân thấy sợ mỗi khi bước vào thang máy, dù đông nghịt hay chỉ một mình. Hiểu đó là cảm giác vùng an toàn cá nhân bị phá vỡ, hoặc cảm giác cô đơn giữa khoảng không lơ lửng dịu vợi.
Mỗi một con người tồn tại, đều hình thành một khu vực gọi là vùng an toàn cá nhân, hình dung đơn giản, nó là một vòng tròn với tâm là chính ta.
Tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và tính cách con người, vùng an toàn đối với người xa lạ thường nằm trong khoảng 50-100cm. Bạn hãy nhớ lại những lần gặp gỡ một người hoàn toàn xa lạ, chúng ta luôn cố gắng giữa một khoảng cách nhất định với đối phương, thường khó chịu khi người ta tiến đến quá gần mình, cũng như thấy mất thân thiết nếu một người mà ta biết lại cố ý giữ khoảng cách xa.
An toàn luôn là cảm giác mà bất cứ ai cũng cần đến đầu tiên.
Có lần học về tâm lý, nge thầy giảng người ta đôi khi có dạng tâm lý như con nhím và ốc sên.
Nhím thực chất rất yếu đuối, nên tạo hóa cho lớp gai xù cứng nhọn làm vũ khí. Chỉ tội cái, nó yếu đuối đến nỗi bất cứ ai đến gần, dù là muốn nựng nịu hay quan tâm cũng sẽ xù gai nhọn, vô tình làm đau những người thương.
Ốc sên thân mềm, ai cũng biết, nên lúc nào cũng chui rúc trong vỏ ốc, ít khi dám chường mặt ra ánh sáng. Trong vỏ ốc là cả thế giới tối đen, thế nên chỉ vì bản tính của mình, ốc đã làm lãng phí cả bầu trời đầy nắng.
Con người ta cũng vậy, đôi khi yếu đuối, nhưng lúc nào cũng phải giả vờ mạnh mẽ, bất cần. Dù cho là người quan tâm lo lắng thật lòng, hỏi tới cũng cáu gắt hay gạt phăng đi rằng có gì đâu mà buồn, để rồi tối về, lại gặm nhấm nỗi buồn một mình cô đơn.
Bóng tối có lúc là bạn thân và vùng an toàn cho rất nhiều người.
Cũng có khi, người ta cứ giấu nỗi buồn vô nụ cười, cảm thấy nơi đó an toàn lắm. Quen dần, đến khi quá nhiều, cười mà cũng vương màn sầu.
Có dạo thèm ôm một người để ngủ.
Không phải là “ngủ” mà người ta hay nghĩ, chỉ đơn giản là nằm cạnh nhau, ôm nhau vào lòng, nắm chặt tay rồi nhắm mắt vào mộng.
Nhiều người nghĩ phải tin tưởng lắm mới dám quan hệ tình dục cùng nhau, kiểu như đối phương phải cho mình cảm giác an toàn lắm thì mới trao thân gởi phận.
Lầm!
Dù cho là khi chúng ta quan hệ xác thịt cùng đối phương, cũng là khi ta còn đủ tỉnh táo, vẫn có thể quan sát được nhất cử nhất động, của người kia, nếu có chuyện gì không như ý, cơ chế an toàn của bản thân sẽ có phải ứng. Vậy nên sự tin tưởng tuyệt đối là dám nằm cạnh một người rồi ngủ một giấc không lo toan, nghĩ ngợi. Chỉ bởi khi ngủ, con người ta mới rơi vào trạng thái vô thức, mất đi tất cả khả năng phòng vệ.
Nhưng ngày hai lăm, khi bắt đầu một mối quan hệ mới, luôn tự nhận thức rằng người ta có thể đến được mức nào trong vùng an toàn của cá nhân ngay từ lần đầu gặp. Hai lăm như con nhím… sợ tổn thương nên cứ phải xừ lông dữ.
Con em gái
Nhà có hai anh em, con em nhỏ hơn đúng một giáp, xấp xỉ hai thế hệ. Những tưởng khoảng cách đó làm hai đứa khó hiểu nhau, nhưng ai ngờ lại gần được. Chẳng biết nên khen hay bản thân trẻ hay chê nhỏ em mau già.
Thằng anh hai lăm, con em mười ba, có bữa giành nhau máy tính của cha để đánh game cho đã. Dĩ nhiên nó là con gái, lại út, nên luôn là kẻ chiến thắng trong bất cứ trận tranh giành nào mang tính chất quyết định. Mà thôi, lớn thì nhường nó một chút cũng chả sao.
Nhỏ em đầy cá tính, kiểu như con trai. Thích coi hoạt họa, nhưng ghét mấy cái thần tiên, công chúa, chỉ khoái anh hùng, rô-bô, sung ống để cứu cả nhân loại đang gặp nguy.
Dĩ nhiên có con gái trong nhà, chuyện yêu đương của nó luôn là mối lo hàng đầu, nhất là giờ hiểu được giới trẻ phát triển nhanh cỡ nào. Năn nỉ, dụ dỗ để dẫn nó đi ăn gà rán, hai an hem có dịp tâm sự loài chim biển cùng nhau. Nói chuyện cùng nó, ăn chả thấy ngon, trong khi nó nhai ngồm ngoàm, trả lời thẳng te, “Có mấy đứa thích em, mà đừng có mơ, giờ lo học, đám con trai tuổi này ngu lắm, em không mê đâu, hai yên tâm.”
Nghe con em nói xong, lòng cũng yên tâm hơn hẳn, bởi biết nhỏ này cá tính chẳng kém thằng anh trai, chẳng lo ai bắt nạt.
Có tối, thằng anh hai đang nằm coi phim hoạt họa “Sakura – Chủ nhân thẻ bài ma thuật” thì con em hỏi cha, “Tía, tối nay mấy giờ Barca đá với Real vậy?”
Thiệt kinh hồn con em!
Nhưng dù gì, lắm lúc vẫn thấy cái tính con nít trong nó hiện rõ. Cha la, nó ngồi trong góc giường, vai run run, thỉnh thoảng đưa tay quẹt nước mắt mà không khóc thành tiếng, hỏi gì cũng lắc đầu. Mấy tiếng sau mới ra ngoài, uống ly nước, nghe giọng thấy thương, “Tía chưa hiểu đã la…”, đúng là con nít!
Có lần mẹ nói, “Sau này tao với ổng cũng đi… còn hai anh em, ráng lo cho nhau mà sống nghe chưa…” thấy nhỏ em ngồi trầm ngâm, rồi ôm chầm lấy mẹ.
Ừ thì… đời sau này chỉ còn hai an hem là cùng chung máu mủ, ruột rà…
Nhưng đó nằm ở tương lai, còn giờ, sáng vẫn xách cây chổi lông gà hú hét, bắt nó dậy sớm để đi săn sáng, dọn dẹp, nó vẫn ề à, tru tréo, “Tối qua thức khuya đánh game mà hai… hôm nay nghỉ mà hai…”
Chuyện cái ly nước giữa trời nắng
Có ai đó đặt một ly nước giữa trời nắng. Và người ta bắt đầu quan tâm đến nó.
- Người bi quan nghĩ, "Xui quá, ly nước bị bốc hơi một phần rồi."
- Người lạc quan nói: "May quá, ly nước chưa bị bốc hơi hết."
- Người thực dụng nhưng cạn nghĩ bước đến cầm ly uống luôn nước.
- Người có suy nghĩ sẽ cầm ly, nếm thử một chút trước khi quyết định.
- Kẻ phá hoại thì vung chân đá đổ ly.
- Người có lòng tốt cầm ly cất đi để không bốc hơi hết.
- Người có làm biếng di chuyển, chỉ thấy bên này ly không có quai.
- Người nhìn đa chiều thấy được dáng ly đẹp và có quai ở mặt bên kia.
- Người trăn trở tự hỏi nước trong ly là nước gì, có thành phần ra sao.
- Một số người thực tế nhìn nhận rằng: Đang có một cái ly chứa nước để dưới nắng.
Vậy đó.
Bản chất của một sự vật, sự việc, đôi khi lại không do chính bản thân nó quyết định, mà lại tùy vào nhận định của bản thân rất nhiều người xung quanh. Tùy theo những cảm quan, trải nghiệm của cá nhân mà sự vật lại được đánh giá khác đi chút ít.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, nhận định vẫn chỉ đơn thuần là nhận định, nó vốn không thể biến đổi bản chất của việc đang diễn ra. Dù người ta có nói hay suy nghĩ đến thế nào, thì ly nước vẫn là ly nước, nó không thể biến thành ly chứa cát hay cái ly không nếu không ai tác động đến....
DakMil.WapSite.Me
Chúc bạn có những giây phút thật vui vẻ