-Nghĩa là anh sẽ phải bắt tôi?
-Đúng vậy! Mà cho dù tôi không nỡ bắt anh thì cũng sẽ có người khác bắt anh thôi! Trước tình thế đó thì tôi cũng đành bó tay!
Khôi cười chua chát, chàng kể lại chuyện hôm chàng nóng giận cầm dao hăm dọa mấy mẹ con bà Hội và Lộc nhảy vào can cầm con dao ném đi ra sao kể lại cho Văn-Lang nghe. Sau đó Khôi buồn rầu nói:
-Còn về cái bóp của tôi thì tôi chịu, không biết phải giải thích ra sao. Hôm qua tôi phát-giác là bị mất nhưng vì là chủ nhật nên cũng chẳng làm được gì. Sáng hôm nay tôi mới lên sở cảnh-sát khai báo. Tôi định trong tuần sẽ đi xin lại các giấy tờ tùy thân quan-trọng bị mất vì để trong bóp.
Rót thêm trà vào hai tách, Khôi nói tiếp:
-Một là tôi đánh rớt nó trong nhà hàng lúc trả tiền xong, hai là rớt ngoài bãi đậu xe. Ngoài ra thì tôi chịu! Không biết anh có tin tôi không?
Văn-Lang suy nghĩ một hồi rồi tiếp tục cuộc thẩm vấn:
-Anh hãy tả con dao hôm anh dùng hăm dọa mẹ con bà Hội cho tôi nghe.
-Đó là một con dao làm bếp, rất sắc, đầu rất nhọn, dài chừng 30 phân, cán đen, làm bằng gỗ.
Mặt thám-tử 008 Văn-Lang vẫn lạnh như tiền. Chàng khẽ nhắp một ngụm trà, nhìn thẳng vào mặt Khôi:
-Anh hãy kể lại từ đầu và cho tôi biết mục-đích hôm anh đến nhà mẹ ghẻ và hai đứa em cùng cha khác mẹ của anh, và rồi cầm dao hăm dọa ba mẹ con ra sao, như thế nào.
Khôi quay điếu thuốc trên tay vài vòng, đưa lên môi rít một hơi thật dài.
-Hôm đó tôi tới gặp ba người với mục đích trao cho họ số tiền 3000 đồng do bố tôi nhờ tôi giữ, nhờ mỗi tháng gửi chút đỉnh về cho ba mẹ con. Nhưng nay bố tôi đã mất, ba mẹ con cũng sang được bên này thì tôi không còn lý-do nào để giữ số tiền kia cả. Vốn dĩ tôi định đưa tiền xong sẽ đi ngay, và không có ý định trở lại gặp ba người dù là chỉ một lần nữa. Chỉ bởi tại cả đám ăn nói những lời khốn nạn, móc họng như tôi ăn quịt tiền chính-phủ cho mỗi người là 10000 đồng. Tôi đã bình tĩnh cố giải thích rằng tôi không biết, và không có liên quan gì đến chuyện đó, có hỏi thì hỏi hội bảo trợ hay chính-phủ Hoa-Kỳ. Thế nhưng mấy mẹ con vẫn không để cho tôi một lối thoát nào mà cố dồn tôi vào chân tường, vào đường cùng ngõ tận. Anh cũng thừa hiểu, dù là con thú trong hoàn cảnh như vậy còn cắn lại huống hồ là con người. Lộc, bạn tôi là người tốt, hoàn toàn không dính líu gì trong vụ này cả. Chính vì Lộc ngăn cản, không để tôi ra tay không thì có ít nhất một người về chầu Diêm-Vương rồi. Con Trúc sau đó đi gọi tên Quý tới tự giới-thiệu là ‘vị hôn phu’ của con nhỏ. Tên này sau đó hăm dọa ra đều có thể ‘dùng tiền mà đốt chết tôi được’! Rồi chính Lộc lại cản tôi, kéo tôi đi về không thì nhẹ lắm bữa đó tôi cũng tặng cho hắn vài quả thôi sơn cho chừa cái tật ‘bố láo’!
Nói xong, Khôi thở dài tỏ vẻ chán ngán. Chàng rít thêm mấy hơi thuốc thật dài rồi chậm rãi gằn rõ từng tiếng một:
-Phải! Tôi có cớ, có động lực thúc đẩy, và có cơ-hội để giết tên Quý kia. Điều này tôi dư biết anh có nghĩ đến. Nhưng cho tôi hỏi anh câu này. Giả sử như tôi giết tên Quý kia thì tại sao tôi không cao bay xa chạy mà lại ngồi đây để anh điều tra là vì lẽ gì?
Văn-Lang phủi tay một cái, lớn tiếng nói:
-Như thế mà anh cũng hỏi tôi được à? Nhưng thôi, nếu anh đã hỏi thì tôi cũng xin trả lời. Lý do thứ nhất, anh không phải là người dại, và thứ hai, anh không phải là hạng người biết chạy trốn, cho dù là anh thoát được.
Khôi cười hỏi:
-Như vậy thì anh cũng còn một chút kính trọng đối với tôi, và ít nhiều có tin tôi phải không?
Văn-Lang đứng dậy đi đi lại lại mấy lượt rồi mới đáp:
-Với tư cách giữa một người bạn với một người bạn thì tôi có thể tin anh. Nhưng nếu lấy tư cách một thám-tử trong phạm vi nghề nghiệp thì tôi chưa thể tin anh được.
Khôi gật đầu nói:
-Anh nói như vậy kể ra cũng là công bằng lắm rồi.
Văn-Lang nhìn đồng hồ rồi lên tiếng xin từ giã:
-Anh Khôi, tôi phải đi để tiếp tục công việc. Cám ơn anh đã dành thì giờ cho tôi. Tôi đã làm phiền anh quá nhiều. Tôi hy-vọng tất cả mọi chuyện trong những ngày sắp tới chỉ đem lại cho chúng ta cùng lắm là niềm sợ hãi mà không đi đến kết quả đáng tiếc. Cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra cũng vậy. Tôi mong anh hiểu là tôi vẫn coi anh là bạn. Và tôi rất mong sẽ được cơ hội chứng minh điều đó với anh.
Khôi cười gằn, lạnh lùng hỏi:
-Thật vậy à?
Văn-Lang chưa kịp trả lời Khôi lại hỏi tiếp:
-Cho dù mai đây anh điều-tra được chính tôi là thủ-phạm giết người?
-Đúng vậy.
Đưa tay lên nắm đấm mở cửa, Văn-Lang như sực nhớ điều gì chưa cạn lời nên quay lại cố nén xúc động nói:
-Anh Khôi! Xin anh hãy tha thứ cho tôi. ‘Nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ’! (1) Anh hiểu cho tôi!
-Lẽ đương nhiên!
Rời nhà Khôi rồi, Văn-Lang tiếp tục lên đường thi hành công tác. Chàng nhận thấy đường đi còn xa quá. Chàng cảm thấy hết sức ‘rã rời’, không phải vì thể xác mà vì tinh-thần. Dù đoán trước được, biết trước được nhiều việc nhưng tránh không khỏi! Chàng xưa nay chưa bao giờ trùn bước trước mọi thử thách, nhưng lần này là một thử thách thật mới lạ chưa tưng trải qua. Người thám-tử ‘đau khổ’ hút thuốc liên tục, hết điếu này sang điếu khác, vừa lái xe vừa than thầm:
-Vi nhân nan! (2)
‘Reng reng’, tiếng điện thoại tay đột nhiên kêu. Văn-Lang tạt xe vào lề, để đèn chớp báo hiệu có chuyện khẩn cấp để cho các xe trên xa lộ nhìn thấy. Chàng lắc đầu nhìn thử xem ai gọi. Khi nhìn rõ số, Văn-Lang mỉm cười.
-A lô, có phải Yến đó không?
-Em đây. Chiều nay anh rảnh không, mình lên hội quán đánh Ping-Pong.
-Anh có công tác phải đi Richmond bây giờ đây. Sớm lắm là chiều tối mới
về, sợ hội-quán đóng cửa rồi. Thôi để khi khác đi nghe!
Tiếng đầu giây bên kia nũng nịu:
-Anh lúc nào cũng vậy hết! Cứ bận hoài à! Chẳng bao giờ có chút thì giờ nào cho em hết đó!
Tiếng Văn-Lang ‘dỗ dành’:
-Thôi mà, thôi mà! Đúng vào lúc anh bận thật thì sao đây? Không lẽ bỏ việc? Cho anh khất đi. Lần tới sẽ bù gấp đôi cho em, chịu không?
-Hay là có cô nào rồi phải không?
-Trời ơi! Đừng nói vậy mà! Oan cho anh lắm!
-Thôi đi! Khó mà tin nổi ông lắm!
-Không lẽ anh mất tín nhiệm đến như vậy sao?
-Hơn còn có nữa là!
-Thôi, đừng làm khó anh nữa được không? Chừng nào xong việc về lại anh sẽ gọi em liền. Cuối tuần anh sẽ dẫn em đi đánh bóng bàn, rồi đi ăn và đi xi-nê. Chịu chưa?
-Được rồi. Nhưng nếu thất hẹn với em là không được đó nghe!
(1) “Nhân tại giang hồ thân bất do kỷ”: ngạn ngữ Trung-Hoa, có nghĩa là “con người sống trên đời, nhiều lúc chính bản thân của mình cũng không phải là của mình”.
(2) “Vi nhân nan”: Làm người thật là khó.
...... nguồn DakMil.WapSite.Me .......
Lộc để ý nghe ngóng thật kỹ càng từng câu hỏi, từng lời của Văn-Lang. Sau một hồi suy nghĩ thật chín chắn, chàng mới cẩn thận trả lời:
-Hôm thứ bảy tôi đưa gia đình lên D.C. chơi, thăm người quen, 11giờ 30 mới lên đường về Richmond. Thường thì lộ trình D.C.-Richmond hay Richmond-D.C. chỉ mất khoảng một tiếng rưỡi trở lại.
Văn-Lang gật đầu, chàng hỏi tiếp:
-Nghĩa là anh về đến Richmond khoảng một giờ đêm, hay nói cho đúng hơn, một giờ sáng chủ nhật?
-Phải!
-Trong khoảng thời gian trước khi về có lúc nào anh rời xa vợ con không?
-Lúc 10 giờ 45, tôi có đi đổ xăng ở cây xăng gần nhà người quen, tiện thể mua vài món lặt vặt ở tiệm 711, sau đó trở lại đón vợ con về Richmond.
-Từ chỗ đó tới nhà bà Hội mất bao lâu?
Lộc cười nói:
-Chỉ độ 10 phút đồng hồ. Tôi đồng ý với anh. Anh nghĩ rất đúng. Tôi có đủ thì giờ lại nhà đó giết chết tên Quý rồi trở lại đón vợ con.
Văn-Lang thấy lời Lộc có vẻ cay cú nên vội giải thích:
-Xin anh đừng giận. Tôi phải hỏi cho đúng luật điều tra chứ chưa hề nói anh là thủ-phạm! Mà anh nói cũng đúng, vào bất cứ người nào điều tra cũng phải nghĩ đến điểm này cho dù là có hay không.
Vợ Lộc lúc đó mang nước lên mời khách. Văn-Lang uống qua loa lấy lệ cho đẹp lòng chủ nhà. Bằng một thái-độ hết sức nhã nhặn, chàng hỏi:
-Anh Lộc, nếu anh không ngại thì có thể kể sơ qua tiểu sử anh Khôi cho tôi nghe được không. Tôi biết anh Khôi không phải người xấu. Nhưng anh ấy là người đau khổ, lúc nào trông cũng buồn buồn.
Giá vào lúc bình thường, chắc chắn Lộc sẽ không đem chuyện của bạn kể cho người khác nghe. Nhưng hiện tại, Khôi là nghi can số một cho nên chàng thầm nghĩ nếu nói tốt về Khôi nhiều may ra có thể thuyết-phục được Văn-Lang loại bỏ bạn mình ra khỏi danh-sách nghi can. Nghĩ vậy, Lộc liền kể hết cho Văn-Lang cuộc đời thăng trầm của Khôi như thế nào từ lúc thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Chàng cũng không quên nói rõ từng chi tiết về tình bằng-hữu giữa mình và Khôi ra sao, lúc bênh vực bạn lúc nhỏ và khi trưởng thành được bạn nâng đỡ thế nào. Văn-Lang để ý nghe rất kỹ càng, không bỏ sót một lời nào....
DakMil.WapSite.Me
Chúc bạn có những giây phút thật vui vẻ