Có lẽ đàn ông chúng ta đều như vậy, không muốn để phụ nữ vùng lên.
Ở Tây Tây Bắc, khi bỗng dưng hiểu ra vấn đề, tôi vô cùng hối hận vì năm xưa đã trách cứ Trình Kỳ. Làm một người đàn bà khó lắm. Nhưng tôi còn băn khoăn ở chỗ, phụ nữ nhất định phải giống đàn ông thì mới bình đẳng hay sao? Còn xưa kia, giữa nam và nữ không hề có bình đẳng ư?
Ở Tây Tây Bắc, chẳng ai bận tâm đến vấn đề đó. Phụ nữ cũng chưa từng hỏi, bọn họ làm được gì thì làm. Đàn ông cũng hầu như không hề ăn ở hai lòng. Ở đây không có ngoại tình, không có gái điếm, cũng không có những kẻ hư hỏng. Ở đây có cái mà xưa kia chúng ta cho rằng bất bình đẳng, cũng có cái bình đẳng mà ngày nay chúng ta đang cổ vũ, nhưng nó được hình thành tự nhiên, hầu như không có dấu vết cưỡng ép nào.
Ở Tây Tây Bắc, phụ nữ rất ít trang điểm, cũng không có thói quen sùng bái eo nhỏ. Người chú trọng trang điểm nhất là Khinh Phong. Cô về đến nơi khi tôi vừa khỏi bệnh. Tôi ốm mất năm ngày. Ba ngày đầu thì cứ sốt liên miên, ngày thứ tư tôi bảo Cầm Tâm:
- Chắc tôi sắp chết, phiền chị tìm vài người đến khiêng tôi ra chôn bên tây thôn, chôn chỗ cỏ hoa mà làng chị không biết gọi tên là gì ấy.
Sau đó Bóng Tối đến, ông đưa cho Cầm Tâm một thứ, bảo sắc thành nước để tôi uống, kỳ lạ là tôi khỏi bệnh.
Trong mấy ngày tôi ốm, liên tục có người đến xem bản thảo của tôi, nhưng rất ít người biết chữ, vì vậy cũng chẳng có mấy người hiểu được. Họ lật giở nhầu nhĩ hết cả, tôi hơi bực mình.
Ngày thứ năm, tôi đã nhúc nhắc được, lại ra ngồi trên gò cát đằng trước quán Dưới Ánh Trăng, ngắm vầng mây chiều nơi chân trời, lắng nghe tiếng lá cây xào xạc mãi tới khi trăng lặn.
Ngày thứ chín, một nữ sinh trẻ đến quán trọ. Tôi là người trông thấy cô đầu tiên. Cô mặc váy, tóc uốn, lưng đeo một cái túi vải bò to tướng, nhanh chóng xé toang tấm màn cổ xưa và tĩnh lặng của nơi này. Tôi đoán chừng đó là Khinh Phong. Trông cô không hẳn là đẹp, nhưng rất đặc sắc. Vẻ mặt giản dị, song lối trang điểm thì thực sành điệu.
Lúc đó tôi đang nằm ở gốc cây hòe, mấy đóa hoa nhỏ phủ xuống mình tôi, bên dưới mình tôi là một khoảng phân chim lốm đốm và tất cả tàn tích của hoa hòe còn lại trên đời. Chúng khiến tôi hồi vọng thời thơ ấu. Cầm Tâm thì đang rửa bát trong bếp, tiếng đồ sứ va nhau lanh canh.
Một giọng nói ập tới, tôi nghi hoặc ngẩng đầu, trông thấy Khinh Phong. Có lẽ bất ngờ vì sự có mặt của tôi, cô lộ vẻ ngạc nhiên rõ rệt, sau đó chạy ùa vào bếp.
Cầm Tâm mừng quýnh. Chị lập tức bỏ các thứ đấy quay ra nói:
- Mẹ làm cơm nóng cho con nhé. Rửa ráy đi.
Cầm Tâm nấu nướng xong xuôi đợi con gái. Sau đó, hai mẹ con vào phòng thì thì thào thào. Tôi đi ngủ.
Mãi đến lúc mặt trời lặn về tây, Khinh Phong mới ra ngoài. Cô đã ngủ một giấc say sưa. Cầm Tâm dặn tôi trước:
- Tôi muốn nhờ cậu một việc.
- Việc gì? Tôi ngẩn người.
Chị nói:
- Cậu cũng từng là sinh viên đúng không? Tôi nghĩ cậu nói chuyện với con gái tôi chắc hợp đấy. Ngày mai nó lại đi, bảo là tham gia thực tiễn xã hội gì ấy, tôi không muốn để nó đi, nhờ cậu khuyên nhủ nó, bảo nó ở nhà ít hôm.
- Thế để tôi thử xem. - Tôi cười.
Sau đó, Cầm Tâm dẫn Khinh Phong đến giới thiệu:
- Đây là con gái tôi, Khinh Phong. Còn đây là chú Dương. Khinh Phong, chú Dương đang viết sách đấy.
Tôi cười gật đầu chào cô gái. Cô vốn có vẻ xem thường, nghe nói tôi viết sách, mắt cô lại sáng hẳn lên:
- Thế ư? Sách gì vậy ạ?
Tôi ngượng nghịu:
- Cô sẽ chả thích đâu.
Cầm Tâm liền chen vào:
- Chú ấy viết những thứ mà người ở đây chả ai hiểu gì sất . Bóng Tối nói chỉ có con hiểu mà thôi.
Tôi vội vã bảo:
- Đây là tiểu thuyết , chả có gì mà hiểu với không hiểu. Cô ấy nhất định không thích đâu, đừng để cô ấy đọc.
Khinh Phong không chịu thôi. Lúc chập tối cô tự mình nấu cơm cho tôi ăn và dụ:
- Cho tôi xem truyện của anh đi.
Tôi từ chối:
- Cô vẫn còn là trẻ con, tốt nhất đừng có xem.
Nghe vậy, Khinh Phong đáp với vẻ không vui:
- Tôi đã lên năm thứ ba đại học, đã xem đủ mọi thứ rồi.
- Tôi nói thật đấy, cô còn nhỏ.
Khinh Phong bèn nói:
- Có cái gì mà ghê gớm thế nhỉ? Truyện sex tôi còn đọc nữa là…, cô tỏ ra bực mình, rốt cuộc có để tôi xem không nào?
- Thế này vậy, tôi bảo, mỗi hôm tôi để cô đọc một chương, vì có một vài đoạn tôi chưa sửa xong. Trong khi tôi sửa thì cô đọc, tiện thể góp ý cho tôi, được không?
- Không được, cô đáp, mai tôi phải đi rồi, đi thực tế xã hội.
Tôi nói sau một lúc ngẫm nghĩ:
- Thế cũng không được. Hay cô cầm trước những đoạn tôi đã duyệt này đi xem, nếu cô còn hứng thú, ngày mai cô đến lấy tiếp nhé?
Cô phấn khởi cầm phần đầu bản thảo đi.
Tôi thì vội vàng xem đoạn sau. Nói thật, mấy chương tới có nên cho cô xem không, tôi phải cân nhắc đã.
PHẦN 19
Tôi có tuân theo cảm xúc của trái tim mình không? Hay bởi nỗi sầu khiến người ta nhớ lâu hơn niềm vui?
Ba ngày trước khi Khinh Phong về, trong làng có một người chết. Một ông già hơn bảy mươi. Đang đi, tự nhiên ngã, rồi chết. Hồi còn sống cũng chả bệnh tật gì, chết lại nhẹ nhàng không đau đớn. Lạ một nỗi, cả làng không một tiếng hờ khóc. Tôi hỏi Cầm Tâm:
- Người chết không có con cái gì à?
- Sao lại không, - chị đáp, - có ba con trai ấy chứ!
Tôi càng ngạc nhiên:
- Vì sao chẳng ai khóc thương gì cả?
Cầm Tâm cũng ngạc nhiên không kém:
- Khóc thương gì cơ?
- Thì ông già chết đi, con cái nhất định phải buồn đau, phải khóc chứ, dùng nước mắt để tưởng nhớ người ra đi.
- Cớ sao phải khóc nhỉ? Chết là một việc hết sức bình thường mà.
Tôi hỏi Cầm Tâm:
- Thế có phúng viếng gì không?
Chị nói có. Buổi tối trước hôm Khinh Phong về, tôi theo Cầm Tâm đến nhà người quá cố. Mặt trời chưa xuống núi, Bóng Tối đã ở đó làm phép rồi. Ông lẩm nhẩm những gì trong miệng, tôi không nghe rõ. Tôi hỏi Cầm Tâm:
- Bóng Tối đang nói gì thế?
Cầm Tâm trả lời:
- Không hiểu, người ta có ngôn ngữ riêng đấy.
Tôi còn trông thấy ba con trai của người quá cố cầm rượu đi mời mọi người, vừa nói vừa cười. Họ cũng mời tôi một ly, tôi uống luôn. Tất cả đều có vẻ phấn chấn, không hề lộ vẻ đau buồn. Mặt trời xuống núi, người ta thắp một ngọn nến trước mặt Bóng Tối. Sau đó Bóng Tối nhảy múa, vừa nhảy vừa hát rất vui. Đến những bài hát ấy thì Cầm Tâm lại hiểu, chị dịch cho tôi nghe: Bóng Tối nói, sinh mệnh của con người là đạo hóa, chết đi là một đạo hóa nữa, từ đâu đến thì trở về đó.
Tôi không dám tin vào tai mình. Tôi nhớ Trang Tử, lúc vợ chết ông cũng đã từng nói thế, lại còn gõ bồn mà hát, nhưng trong các điển tích đời sau tôi chưa hề đọc thấy bất kỳ một câu chuyện nào tương tự, ai ngờ lại gặp nó ở đây.
Sáng sớm hôm Khinh Phong về, mặt trời còn chưa lên, trong thôn đã có tiếng người nói rì rào. Tôi dậy xem, hóa ra họ đang khiêng xác người chết đi chôn, trong nhóm đó có cả ba con trai của người quá cố. Họ vẫn không buồn phiền gì cả. Đằng sau có Bóng Tối và mấy người mang mai, cuốc. Tôi cũng đi theo. Ở đầu tây thôn, chỗ tôi đã chọn làm mộ địa cho mình, họ chôn người chết, nhưng không đắp mả. Tôi rất ngạc nhiên bèn hỏi một ông già đứng cạnh, vì sao không đắp mộ? Ông thắc mắc hỏi lại tôi:
- Mộ là cái gì?
Tôi nói:
- Là một đống đất vun vào cho người chết để hậu thế biết chỗ ông ấy được chôn, tiện việc giỗ chạp.
Ông già cười bảo:
- Cậu nói gì tôi chả hiểu, ở đây chúng tôi hễ chôn là chôn, mấy năm sau chẳng ai biết là chôn ở đâu nữa.
Tôi gần như vỡ vạc được một điều gì đó. Chả trách nơi này không lộ ra mồ mả gì mà mọc tuyền những cỏ hoa lạ lùng.
Thế là lại thêm một chuyện khiến tôi tò mò kinh khủng về Tây Tây Bắc. Sao trên đời có một cái làng như thế này nhỉ? Họ là thế hệ sau của ai? Tôi hỏi Bóng Tối. Bóng Tối bảo không biết. Tôi lại hỏi:
- Ở đây các bác có thần thoại không?
Ông ngơ ngác:
- Thần thoại là cái gì?
Tôi giải thích đó là những chuyện truyền đời xoay quanh cuộc sống của con người ở một vùng nào đó. Ông lắc đầu bảo không có. Tôi càng lấy làm lạ:
- Vậy khả năng của bác là do ai dạy ạ?
Ông già nhìn tôi từ đầu tới chân:
- Một bô lão thấy tôi thông minh bèn dạy cho.
- Vậy bác định truyền tiếp cho ai những điều đó?
Bóng Tối lộ vẻ đau xót rõ rệt:
- Hiện giờ chưa tìm được ai thích hợp.
Những điều tôi thắc mắc, Bóng Tối không biết, và nhất định chẳng còn ai biết cả. Vậy nên tôi vẫn đầy hoài nghi về sự tồn tại của ngôi làng. Song cuộc nói chuyện sau đó với Khinh Phong đã khiến tôi tin chắc Tây Tây Bắc là một thực thể....
DakMil.WapSite.Me
Chúc bạn có những giây phút thật vui vẻ