Trời tối, Khinh Phong châm đèn. Trong làng, chỉ có chúng tôi dùng, chứ nhà khác mọi người đã lăn quay ra ngủ rồi. Tôi và cô gái vẫn tỉnh như sáo. Rất nhanh, cô đọc xong bản thảo và đến gõ cửa phòng tôi lúc mười hai giờ đêm. Tôi kêu:
- Tôi ngủ rồi.
Khinh Phong bất chấp, cô nói:
- Tôi đến trả anh bản thảo. Ngày mai tôi phải đi, nếu anh thức được thì tôi muốn trao đổi với anh mấy câu.
Nghe cô nói sắp đi, tôi thất vọng vô cùng. Thất vọng không phải vì cô không ở đây nữa, mà vì tiểu thuyết của tôi không khơi được hứng thú ở cô.
Thực ra, tôi đang đọc phần sau bản thảo chứ chưa ngủ, tôi bèn đứng dậy mở cửa. Khinh Phong bước vào, tôi cũng vẫn để cửa hé. Bên ngoài trăng còn sáng, loáng thoáng tiếng ngọn cây khua động.
- Chúng ta ra nói chuyện dưới trăng đi. - Tôi gợi ý, cốt tránh sau này Cầm Tâm nghi ngờ.
Khinh Phong đồng ý.
Tôi và cô ngồi ngoài cửa. Cô gái vẫn mặc bộ quần áo hồi chiều, nhưng dưới trăng trông trầm tĩnh và êm nhẹ khác hẳn cái dáng tất bật lúc ban ngày. Cô hỏi vẻ tư lự:
- Sao anh tả Đông Minh Lệ thật đẹp mà đến Trình Kỳ thì chỉ phác thảo qua quýt, thậm chí còn có chút oán ghét nữa?
Tôi giật mình. Đúng là như thế. Khinh Phong nói:
- Thời đại học, Trình Kỳ nhất định là đẹp lắm, cớ sao anh không tả?
Ờ nhỉ, lần đầu tiên trông thấy Trình Kỳ tôi đã ngạc nhiên biết chừng nào. Trên đời lại có người đẹp được đến mức ấy ư? Điềm đạm, kín đáo, không phô trương, không ồn ào. Vì sao tôi không tả nhỉ? Vì sắc đẹp của nàng quá đơn điệu? Hay sắc đẹp của nàng và sắc đẹp của Đông Minh Lệ vốn dĩ không thể so sánh? Tôi chợt nhớ tới hai người con gái mà Faust từng yêu, Margaret và Helen, trong hai người đó ai đẹp hơn, ai đáng yêu hơn? Tôi không biết. Tôi có tuân theo cảm xúc của trái tim mình không? Hay bởi nỗi sầu khiến người ta nhớ lâu hơn niềm vui?
Khinh Phong đưa tôi về với thực tại:
- Anh để Đông Minh Lệ ra sân khấu trước và đặt Trình Kỳ ở vị trí thứ hai. Xét bề ngoài thì đất diễn của Trình Kỳ nhiều hơn Minh Lệ, song mọi người chỉ thông cảm với Trình Kỳ chứ hứng thú thật sự lại dành cho Minh Lệ kia.
Tôi nửa cười nửa không. Tôi không thể cắt nghĩa, cũng không cắt nghĩa cho rõ được.
Thấy tôi im lặng, Khinh Phong bảo:
- Truyện của anh thoạt đọc thì rất hấp dẫn, nhưng anh cứ dền dứ với độc giả.
Tôi phân trần:
- Lần đầu viết tiểu thuyết , mà cũng là lần cuối, khó tránh khỏi sự thô vụng về bút pháp.
- Tôi không có ý đó, - cô giải thích - tôi nghĩ viết rất khá. Song nói thật, điều tôi quan tâm là tình yêu của anh và Minh Lệ. Hình như anh viết là vì chị ấy. Trình Kỳ chẳng qua là một vai phụ trong đó thôi.
Tôi thở dài:
- Lứa tuổi các cô, ngoài tình yêu thì còn biết gì nữa đâu.
Khinh Phong nói vẻ không bằng lòng:
- Anh đang viết về tình yêu đó thôi? Khác tôi ở chỗ nào chứ?
Tôi lại thở dài:
- Dĩ nhiên, tình yêu rất quan trọng, nhưng chìm đắm vào nó quá thì thành thảm kịch. Tôi viết cốt để giãi bày với mọi người một sự thật, cũng là một lần xưng tội. Cuộc sống ở thời đại này bi đát quá!
- Sự thật gì? - Khinh Phong thắc mắc.
Tôi cười chua chát:
- Nói thế kể ra cũng không đúng, đến giờ tôi còn chưa định rõ đâu là thật, đâu là giả, hệt như cảm giác của tôi về làng cô, chẳng biết nó tồn tại hay là một ảo ảnh.
Khinh Phong kinh ngạc hỏi:
- Sao anh lại nghĩ là ảo ảnh? Tôi chưa bao giờ cảm thấy vậy.
- Chắc cô đã nhận thấy đây là một nơi mông muội, lạc hậu nhất nước Trung Quốc của chúng ta, phải không?
Khinh Phong ngập ngừng một thoáng rồi gật đầu, nhưng lại vội vàng lắc đầu:
- Có lúc thì nghĩ như vậy, nhưng có lúc lại cảm thấy nơi đây rất tuyệt vời, tôi không tài nào nói rõ được. Anh thì sao?
Tôi nhìn ánh trăng trên đầu:
- Tôi thấy tất cả ở đây đều là thơ, đều thần kì, như thể cõi tiên dưới trần gian vậy.
Khinh Phong nhìn tôi một cách lạ lùng, rồi cười mà như không phải cười, cô hỏi:
- Anh nghĩ thế thật à?
Tôi gật đầu:
- Tôi đã đi nhiều nơi, có cả những nơi mà ai cũng cho rằng đẹp nhất. Song thực tế, những vùng đó đã bị nền văn minh gặm nhấm, chất thơ đã bị dập nát rồi, không đẹp nữa, trong khi mọi thứ ở đây thì kỳ ảo, đầy bí ẩn và giúp tôi tĩnh tâm. Trời run rủi tôi đến vùng này, trông thấy quán trọ Dưới Ánh Trăng của nhà cô, tôi tò mò quá bèn xuống xe. Vì sao lại gọi là Dưới Ánh Trăng? Cô biết không?
Khinh Phong đáp:
- Tôi nghe mẹ kể, ánh trăng nơi đây sáng nhất, sáng hơn bất kỳ nơi nào trên thế gian.
Tôi cười:
- Đúng thật, dưới ánh trăng này người ta còn có thể đọc sách, nhưng cô có biết mọi vật ở đây được định danh thế nào không? Tức là, ban đầu ai là người đã đặt tên cho chúng? Tôi chạm vào đâu cũng gặp thơ, tên người cũng như thơ.
PHẦN 20
Đây là điều tôi hứa với người tôi yêu, tôi hứa với nàng sẽ viết ra câu chuyện của chúng tôi, vì vậy tôi phải viết.
Khinh Phong ngẩng đầu nhìn trăng:
- Tôi đã hỏi những người già cả nhất, các cụ đều không biết. Thực ra thì các cụ chẳng bận tâm đến những điều đó bao giờ đâu, cả làng duy chỉ mình tôi hỏi các cụ mà thôi. Tôi còn thấy rằng tên tôi rất đặc biệt. À, anh có nhận ra không, chúng tôi ở đây không có họ mà chỉ có tên thôi, điều này khác hoàn toàn những nơi khác trên đất nước chúng ta.
Tôi gật đầu:
- Tiếc rằng tất cả đã trở thành quá khứ rồi.
Khinh Phong nghi hoặc hỏi:
- Vì sao?
Tôi nói:
- Vì cô.
- Sao lại vì tôi?
- Vì cô là một sinh viên, cô sẽ mang văn minh về.
- Nhưng tôi cảm thấy nơi đây quá lạc hậu, chẳng khác nào một hòn đảo trơ trọi giữa nhân gian.
- Sự lạc hậu lại chính là vẻ đẹp của nó.
- Người làng tôi đều không nghĩ vậy, họ háo hức nhìn ra bên ngoài.
Tôi thở dài:
- Đúng, đó mới là sự mông muội thực sự, sự mông muội của văn minh. Đáng tiếc!
- Thôi bỏ qua! Ngày mai tôi phải đi rồi, anh có thể kể tôi nghe phần sau không?
- Cô vội vàng làm gì cơ chứ? Nếu tôi đoán không nhầm, có anh bạn giai nào đang chờ cô ở đó phải không?
Khinh Phong vội vã liếc về phía phòng Cầm Tâm, thì thào:
- Phiền anh nói nhỏ đi hộ, đừng để mẹ tôi nghe thấy.
Tôi cười cười hạ giọng:
- Tôi nói đúng không?
Cô do dự chốc lát rồi đáp:
- Đúng một phần, thực ra bọn tôi mới yêu đương bằng cách chat chit thôi, anh có biết tình yêu trên mạng không?
Tôi nhói tim, gật đầu buồn bã. Cô gái chìm vào câu chuyện của mình, không chú ý đến vẻ mặt tôi. Cô kể:
- Chúng tôi yêu nhau được hai năm rồi, nhưng ở cách nhau quá xa, không tài nào gặp được. Anh ấy nói mùa hè này sẽ đến thăm tôi, thoạt tiên tôi đồng ý, sau đó lại từ chối. Tôi không biết mối quan hệ này có kéo dài không, thầy cô và bạn bè đều nói tình yêu qua mạng rất bấp bênh, gặp nhau rồi tình cảm sẽ lụi tàn, tôi sợ lắm. Anh nhìn nhận thế nào về chuyện này?
Tôi đáp một cách lấp lửng:
- Có thể lụi tàn, cũng có thể nồng nàn hơn, khó nói lắm. Mạng máy tính chứa đựng một sự chân thực, đó là chân thực về nội tâm.
Cô đổi ra vui vẻ, giọng bỗng to hẳn lên:
- Đúng rồi, tôi cũng nghĩ thế. Mọi người đều nói tình cảm chúng tôi không thực tế, vậy cái gì mới là thực tế đây? Lẽ nào giả tạo là thực tế? Lẽ nào phản bội tâm hồn mình là thực tế? Thực tế cái kiểu gì vậy?
Tôi nói như với cô bé, mà cũng như với chính bản thân mình:
- Tuy nhiên đó mới chính là hiện thực.
Cô lẩm bẩm:
- Tôi nghĩ khác, loại hiện thực đó là một ảo ảnh, chúng ta nên tôn trọng sự chân thực, đúng không?
Tôi thở dài:
- Số phận là chuyện khác.
Cô nói vẻ không vui:
- Người ta có thể lựa chọn số phận cho mình.
Tôi cười, im lặng. Cô cũng trầm ngâm. Tôi nhìn bộ yên ngựa phủ bụi dưới ánh trăng. Nó mới sáng làm sao chứ. Bốn bề quán trọ đều là đại thụ, nửa sáng nửa tối, cành lá run khe khẽ, còn phát ra tiếng xào xạc khiến người ta nghi ngại, đơn sơ thế, hỗn độn thế, lại rung cảm thế. Nó khiến người ta nghĩ đến một cõi bí ẩn nào.
- Ai bỏ yên ngựa ở kia? Tôi hỏi.
Cô gái chợt tỉnh cơn mơ:
- Yên ngựa nào?
Tôi trỏ:
- Kia kìa!
Cô gái ngạc nhiên tiến lên xem:
- Ờ đúng là yên ngựa nhỉ, sao tôi chưa bao giờ chú ý đến nó cả!
- Cô bảo cô chưa bao giờ thấy nó? - Tôi ngạc nhiên. - Có nhẽ đâu thế?
Cô cũng ngạc nhiên không kém:
- Thật đấy, tôi không biết trong sân nhà lại có vật này. Rồi cô trở lại ngồi bên tôi. Ờ, rốt cục giữa anh và người đàn bà đẹp kia đã xảy ra chuyện gì?...
DakMil.WapSite.Me
Chúc bạn có những giây phút thật vui vẻ