- Sau này đừng gọi máy nhà nữa, cậu gọi vào máy cầm tay cho mình.
Tôi đùa:
- Đừng quên nhé. Tối nay dưới cột điện số 19, không gặp không về.
Mọi người đều cười, nàng cũng cười, rồi đi. Trên đường về, có bạn kể, Mĩ Lệ và chồng nàng đang chuẩn bị ly hôn, nguyên nhân là hai người đều không biết lo toan cho gia đình, nhất là chồng nàng thường đi suốt đêm không về. Đấy, có tiền đấy! Như thế cũng hạnh phúc gì cho cam. Tôi thoáng thương cảm:
- Nhưng cô ấy lúc nào chả ở nhà?
Bạn nói:
- Cậu tưởng cô ấy chịu ở nhà ư? Cô ấy vẫn thế, suốt ngày ra ngoài rủ người đánh mạt chược, đánh thâu đêm suốt sáng luôn.
Trở về Đạt Châu, một hôm tôi đang ngẩn ngơ ở văn phòng thì hình ảnh Mĩ Lệ chợt hiện lên như một làn khói. Từ lần họp mặt ấy, tôi đã nghĩ mãi, bài thơ nàng đọc có thật là tôi viết không? Nếu đúng thế, cuộc đời tôi quả như nàng nói, tôi đã phạm một sai lầm lớn là bỏ giấc mộng nhà thơ để đi vật lộn cùng Trình Kỳ trong trận mưu sinh gian nan. Tự nhiên tôi cảm thấy nhiều người nói cũng có lý lắm. Tôi và Trình Kỳ sống với nhau không hẳn là một điều tốt, nhiều năm qua, chúng tôi luôn rầu rĩ về tiền bạc và sống mãi trong hiểu lầm. Dĩ nhiên tôi là người khổ sở hơn. Từ giây phút yêu nhau, tôi bắt đầu sống vì Trình Kỳ. Chúng tôi đến Đạt Châu là vì nàng, tôi chuyển sang ngành kinh doanh là vì nàng, tôi kiêm nhiệm một lúc mấy việc, chạy gãy cả chân là vì nàng, tôi ép buộc bản thân thích ứng với mọi hoàn cảnh là vì nàng và bây giờ tôi cố sống cố chết vươn lên cũng là vì nàng. Nàng luôn luôn phật ý về tôi, còn tôi thì luôn luôn nghĩ cách để gánh lấy mọi trách nhiệm về sự bất mãn đó. Ngược lại, tôi luôn luôn hài lòng với nàng, tôi không yêu cầu nàng bất cứ một cái gì quá đáng. Vì nàng, tôi từ bỏ giấc mộng thi nhân, từ bỏ hết tự tôn và tự do, thậm chí đánh mất cả bản tính của mình.
Tôi muốn gọi điện cho Mĩ Lệ, muốn chuyện phiếm với nàng đôi câu, trong người tôi có cái gì đó nôn nao khó hiểu. Dường như tôi đã áp chế nó lâu quá rồi.
Thình lình di động tôi reo. Tôi nhìn số mà choáng váng, đúng là giao cảm! Mĩ Lệ gọi. Nàng đang ở nhà, kể rằng tối qua uống quá nhiều, vừa ngủ dậy là nghĩ đến tôi. Nàng hỏi tôi lần trước chẳng phải đã hẹn rõ ràng là ở chân cột điện số 19 đấy ư? Nàng đã đi, đã chờ đến mười một giờ mới tức giận bỏ về. Giọng nàng rất thành thực. Tôi không tin, nàng bèn khăng khăng chứng minh. Nàng nói, hôm ấy nàng mặc bộ áo gió đỏ rực, cái áo có rất nhiều nhún tua, còn nói chiều hôm ấy nàng đi làm đầu, đi làm mặt. Nói như thật ấy. Tôi hơi tin tin, nhưng vẫn cười trừ. Chúng tôi tán gẫu rất lâu, mãi đến lúc tôi hết giờ làm, nàng vẫn chưa nói xong. Tôi bèn vừa đi vừa tiếp tục câu chuyện.
Từ đó về sau, Mĩ Lệ thường xuyên gọi điện cho tôi. Tôi cũng thi thoảng gọi một cú, song luôn sợ phí đường dài đắt quá nên cứ nói vài câu là kết thúc. Mĩ Lệ cười bảo:
- Cậu sợ tốn tiền phải không?
Ở đầu bên này tôi đỏ bừng cả mặt:
- Không phải, chỉ vì công ty mình đông người quá.
Mĩ Lệ cười:
- Thôi để từ sau mình gọi cho cậu.
Nghe nàng nói vậy, tôi chỉ muốn cho mình một cái bạt tai. Tôi trở nên bủn xỉn nhỏ mọn như vậy từ bao giờ?
Sau lần đó, mỗi tuần, chúng tôi gọi điện cho nhau ít nhất một lần, lần nào cũng là Mĩ Lệ gọi đến. Nếu tôi gọi thì nàng nói ngay:
- Cậu dập máy đi, mình gọi lại cho cậu.
Một lần, tôi bực bội trách:
- Cậu tưởng mình là loại bần tiện ấy à? Gọi điện có mấy đồng bạc, đáng gì?
Ở đầu bên kia, nàng bật cười:
- Cậu này, nặng nề thế làm gì? Ý mình là bình thường mình không hề gọi điện thoại, chỉ gọi cho mỗi mình cậu thôi, cậu cứ để mình được nhâm nhi cái cảm giác đó, nếu không mình phát điên đấy.
Lời nàng khiến tôi dễ chịu ngay. Dần dần, tôi nhận ra nàng rất biết thông cảm với người khác, thật là một phụ nữ tốt. Nàng thường hỏi tôi mặc quần áo màu gì, khuyên tôi nên ăn vận như thế nào, nàng còn dặn tôi không nên ăn quá nhiều đồ béo mỡ, bảo tôi đừng ngồi lì để bụng bia nó to ra, tư vấn cho tôi cách giải quyết các mối quan hệ với đồng nghiệp, vân vân. Nàng nói năng khúc chiết, có trọng điểm. Trình Kỳ chẳng bao giờ đề cập đến những điều ấy, thậm chí nàng chưa từng quan tâm xem tôi mặc gì và rất ít hỏi han công việc của tôi. Dĩ nhiên vì nàng không có thời gian, nhưng mấu chốt là xưa nay chỉ có tôi tận tình, còn nàng đã quen để người khác quan tâm đến mình, chứ bản thân nàng chẳng cần bận lòng tới ai hết.
PHẦN 12
Nàng vốn xinh đẹp, ai gặp nàng cũng tươi cười, cũng ngưỡng mộ, nhưng bây giờ những ánh mắt dành cho nàng chỉ là thương hại và giễu cợt.
Từ Thượng Hải quay về, Trình Kỳ bắt đầu sự nghiệp cao cả của mình.
Nàng ôm con đến phòng hiệu trưởng, nói với ông:
- Thưa thầy, tôi phải xin nghỉ việc một năm.
Hiệu trưởng kinh ngạc hỏi nàng:
- Sao thế?
Nàng đáp:
- Tôi phải cứu con tôi.
Hiệu trưởng ngẫm nghĩ rồi quan sát đứa bé trong tay Trình Kỳ, nó đang ngoẹo đầu nhìn quyển lịch trên bàn làm việc của ông, động tác chậm chạp. Hiệu trưởng đã bị thuyết phục, ông nói:
- Cô chỉ được lĩnh lương cơ bản thôi, ngoài ra không còn gì nữa.
Trình Kỳ bỏ ý định tìm người trông trẻ. Dương Thụ vẫn đang bị đình chỉ công tác, cũng ở nhà. Trước mắt, việc anh phải làm là kiện bệnh viện và Tiểu Diệp. Trình Kỳ khăng khăng đòi kiện cô bảo mẫu, Dương Thụ nghĩ giờ còn chẳng tìm thấy người, kiện cái gì mà kiện! Nhưng Trình Kỳ không sao tha thứ cho đứa con gái nhà quê vô lương tâm kia được.
Nàng chưa cứng rắn như thế bao giờ. Mỗi câu nàng nói đều giống một trái lựu đạn đầy sức mạnh, chạm đất là nổ. Sức mạnh ấy là thù hận, là đớn đau.
Công ty Dương Thụ có luật sư. Anh bèn nhờ cậu ta đứng ra lo vụ này.
Một tuần sau, Dương Thụ đem đơn kiện đến tòa án địa phương, tất nhiên chỉ kiện bệnh viện. Họ tạm thời bỏ qua Tiểu Diệp. Tòa án chính thức thụ lý vụ án. Thẩm phán nói thu thập chứng cứ là một thao tác vất vả, có lẽ phải hai tháng sau mới mở phiên tòa.
Họ đợi được.
Mỗi tối thay quần áo ngủ, nhìn thấy vết mổ ở bụng mình, nhớ tới những chuyện sau vết mổ ấy, Trình Kỳ lại bừng bừng phẫn nộ. Nàng nhớ trước khi vào viện, nàng đã cẩn thận chọn mua một bộ mỹ phẩm cùng một bộ đồ lót hàng hiệu bằng cả hai tháng lương của mình rồi bảo Dương Thụ tìm dịp thích hợp đem biếu Chủ nhiệm khoa Sản Dương Kim Tú. Vậy mà, nàng đã quằn quại suốt một đêm, gào khóc suốt một đêm, nghe Dương Thụ nói, lúc ấy tiếng nàng vang vọng khắp cả khu bệnh viện, thậm chí mấy ngày sau, Dương Thụ nhắm mắt vẫn mường tượng được tiếng kêu khóc của nàng. Nàng đã chịu biết bao uất ức! Nàng nhớ con trai nàng vốn dĩ yên lành, hoàn toàn không phải do vợ chồng nàng uống rượu, vậy mà con mẹ chủ nhiệm khoa sản kia lạnh lùng nhìn thân dưới nàng rồi nói, sao vẫn hẹp thế này? Lúc nghe cái giọng vô cảm của con mẹ ấy, nàng chỉ muốn phát điên. Nàng nhớ y tá vội vã bế đứa bé ra nói là đi kiểm tra, chẳng biết có thực thế không, chỉ biết đứa bé tội nghiệp của nàng cứ khóc ngằn ngặt đến khản cổ… Từ đó về sau, họ không còn gặp lại con mẹ khốn nạn ấy nữa. Nàng càng nghĩ càng căm, nhất định phải lôi nó ra tòa.
Nàng còn hận Dương Thụ nữa. Vì sao hắn lại chọn cái bệnh viện ấy? Vì sao không cho nàng mổ đẻ sớm hơn? Khi ả y tá kia đi kiểm tra thì hắn ở đâu? Vì sao hắn có thể ngủ trong khi nàng sinh con? Vì sao lúc nàng cho Tiểu Diệp đến nhà làm, hắn không kiên quyết phản đối? Vì sao hắn chỉ chăm chăm kiếm tiền thôi? Lần lại chuyện trước kia, vì sao hồi đại học hắn lại đối xử tốt với nàng? Vì sao hắn muốn chết vì nàng? Vì sao hắn đưa nàng đến cái nơi rách nát này? Vì sao say khướt rồi hắn còn muốn làm tình? Vì sao hắn không đeo bao?... Nàng vô cùng chán ghét hắn, nàng chỉ muốn mang con cao chạy xa bay, ngay lập tức, thật xa cái nơi khốn khổ chán sống này.
Việc nhà giờ trút cả cho Dương Thụ, nàng chẳng lòng dạ đâu mà để ý đến nữa. Tâm trí nàng đổ dồn hết vào Linh Linh. Ngày nào nàng cũng ôm con vào thư viện thị trấn, tra tìm báo, tạp chí, xem có quảng cáo hay báo cáo nào không. Nàng còn tra cứu phương pháp chữa trị trong các sách ngành y. Nhiều khi buổi trưa, nàng cũng không về nhà, ở ngoài đường ăn quáng quàng cho xong. Dương Thụ thì chờ mãi đến một giờ mới ăn. Nàng mặc kệ Dương Thụ, Dương Thụ đã dặn bao nhiêu lần, buổi trưa không về thì cũng nên gọi điện báo cho anh biết, nàng vẫn không gọi.
Những cột điện và nhà vệ sinh trên đường đều dán đầy quảng cáo chữa bệnh, nghe nói một số phương pháp điều trị dân gian của các thầy lang vườn cũng khá hữu hiệu. Trình Kỳ bèn cõng Linh Linh đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Nàng cứ theo số điện thoại viết trên quảng cáo mà tìm thầy lang, lần nào cũng mua thuốc về, nhưng không dám cho Linh Linh uống ngay. Nàng gọi điện không ngừng nghỉ cho giáo sư Trần Kính ở Thượng Hải, hỏi những phương thuốc dân gian ấy có đúng không. Giáo sư Trần đã nói rất nhiều lần là đừng tin, nhưng nàng không kìm được việc thử nghiệm hết lần này đến lần khác, rồi không kìm được lại hỏi giáo sư Trần. Cuối cùng ông phát sốt ruột phải nói với nàng rằng:...
DakMil.WapSite.Me
Chúc bạn có những giây phút thật vui vẻ